Những giải pháp và khuyến nghị của các nhà khoa học mang tính khả thi cao (*)

Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 04/10/2014

Những giải pháp và khuyến nghị của các nhà khoa học tại hội thảo mang tính khả thi cao và có thể đóng góp vào quyết sách lãnh đạo thành phố và vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI sắp tới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội thảo.


- Về kinh tế: Thủ đô Hà Nội được xác định là hạt nhân của vùng trọng điểm Đồng bằng Bắc bộ, do đó, cần phải tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển theo hướng bền vững… Các nhà khoa học nêu rõ những yếu kém của kinh tế Thủ đô: Vai trò động lực kinh tế của Hà Nội trong vùng trọng điểm Bắc bộ chưa rõ nét, hiệu quả hoạt động liên kết hợp tác giữa Thủ đô với các địa phương trong nước và vùng Đồng bằng Bắc bộ còn thấp; quá trình tái cấu trúc còn chậm; năng lực cạnh tranh thấp nhiều so với các tỉnh thành trong cả nước; phát triển kinh tế chưa gắn chặt với văn hóa - xã hội; từ đó, các tác giả đưa ra nhiều kiến giải và biện pháp thiết thực, trong đó, biện pháp quan trọng hàng đầu là thành phố phải xây dựng chính phủ điện tử; đồng thời, chủ động đi đầu trong việc thực hiện các thể chế mới đang được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao để "Hà Nội trở thành một trung tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới" như Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đã xác định. Đó là bước chuyển lớn, mang tính chiến lược, lâu dài của Thủ đô trong vài thập kỷ tới…

- Về quy hoạch và quản lý đô thị: Hướng tới một đô thị hiện đại ở Đông Nam Á, nên các nhà khoa học đã tập trung phân tích, lý giải về sự tồn tại những yếu kém của đô thị Hà Nội sau 4 lần mở rộng địa giới hành chính… và đưa ra những khuyến nghị để Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong thế kỷ XXI: Phát triển công nghiệp sạch; ưu tiên phát triển giao thông đồng bộ; chống lũ lụt, chống ô nhiễm môi trường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; xây dựng các khu xử lý chất thải rắn hiện đại, cải tạo nâng cấp hệ thống cấp thoát nước; có các cơ chế và giải pháp phù hợp cho mỗi loại nhà ở của cư dân...

- Về văn hóa - xã hội: Con người là yếu tố quan trọng hàng đầu để đẩy mạnh CNH, HĐH, do đó, để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền văn hóa Thủ đô, các tham luận đã đề cập trực diện những nguy cơ xuống cấp về văn hóa trong cơ chế thị trường và khuyến nghị với thành phố những biện pháp thật sự hữu hiệu để "Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Người Hà Nội": Xây dựng hệ thống pháp luật và quy chế quản lý đô thị; xây dựng hệ tư tưởng đạo đức hướng thiện, đời sống khoa học, văn minh, đề cao các chuẩn mực xã hội; tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa, nếp sống của Hà Nội và người Hà Nội trong nhà trường, gia đình… Mặt khác, Hà Nội là nơi tập trung đông đảo nhất các nhà khoa học, tiềm lực khoa học - công nghệ của Hà Nội đã được đánh giá là dẫn đầu cả nước. Vì vậy, cần biết sử dụng và khơi dậy tiềm năng vô giá đó, tiếp tục bồi dưỡng nhân tài, xây dựng văn hóa - khoa học kỹ thuật - giáo dục Thủ đô dẫn đầu cả nước là một vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô.

- Về xây dựng Đảng - chính quyền: Các tham luận đã đề cập đến công tác xây dựng Đảng - xây dựng chính quyền trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Và đến nay, Đảng bộ, chính quyền thành phố càng phải lấy đó làm bài học để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền đô thị...

(*) Đầu đề do Báo Hànộimới đặt