Ký ức không thể nào quên

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:40, 04/10/2014

(HNM) - Ta được tin, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp sẽ có những hành động phá hoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Đại đoàn 308, cử một bộ phận vào trước để tiếp nhận các cơ sở hiện Pháp còn chiếm giữ...

Đầu tháng 10-1954, theo lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Tiểu đoàn cử 214 người, do anh Vũ Huy Hậu, Chính trị viên tiểu đoàn dẫn đầu, "đóng vai cảnh vệ thành" vào làm nhiệm vụ tiếp nhận các cơ sở Pháp chiếm giữ từ khi chúng đặt chân tới Hà Nội.

Tiểu đoàn Bình Ca tiến vào cầu Đuống.


Vì được vào trước nên trong 2 ngày đầu tiếp quản Hà Nội, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, để lại trong tôi những ký ức không thể nào quên.

Đối tượng đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là những người Pháp. Theo Hiệp định Trung Giã, phía Pháp sẽ đón chúng tôi tại cầu Đuống. Đúng 8h ngày 8-10-1954, chúng tôi đã có mặt ở phía bắc cây cầu. Viên quan ba của Pháp cùng đoàn tùy tùng ra đón đoàn. Sau một vài thủ tục đơn giản, viên quan ba dẫn chúng tôi qua cầu, lên xe về Hà Nội. Đầu cầu phía nam có một tiểu đội lính Pháp đứng bồng súng chào. Một số phóng viên, sĩ quan và binh lính Pháp cũng ra đầu cầu để đón. Đoàn xe đón chúng tôi có khoảng hơn 30 xe GMC và 3 xe bọc thép đi hộ tống. Chúng tôi lên xe, hôm ấy trời lất phất mưa, viên quan ba ra lệnh cho các xe phủ bạt kín. Thực ra là họ không muốn để cho nhân dân hai bên đường nhìn thấy trên xe của Pháp chở bộ đội Việt Minh. Nhưng chúng tôi ngồi trên xe, nhô đầu ra ngoài, để lộ ngôi sao lấp lánh trên mũ. Nhân dân đi hai bên đường nhìn thấy, ùa ra hoan hô rất đông, nhất là khi về đến Gia Lâm. Viên quan ba lệnh cho xe phóng nhanh về Nhà thương Đồn Thủy (nay là viện Quân y 108), trụ sở của Ban Liên hiệp đình chiến trung ương. Tới đây, chúng tôi tập hợp đội ngũ chỉnh tề, tư thế nghiêm trang, biểu hiện rõ tính kỷ luật của đội quân chiến thắng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Về phía Pháp, có một số sĩ quan và phóng viên đứng chờ. Một số đến đây để đón chúng tôi về các cơ sở của họ. Thái độ của những người này có vẻ ngại ngùng, rụt rè. Họ đứng túm tụm lại một chỗ, không có hàng ngũ. Chỉ có một nữ phóng viên lại gần chỗ chúng tôi, chụp vài kiểu ảnh của những người mà cô ta mới chỉ nghe chứ chưa nhìn thấy bao giờ. Bây giờ đây, những con người nhỏ bé trước mặt họ lại là những người làm nên kỳ tích ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân Pháp, trong đó có bại tướng De Castries làm rung động nước Pháp.

Lúc này quân Pháp còn ở lại Hà Nội 2 tiểu đoàn, đóng tại 35 cơ sở, nhưng do hoang mang, mất tinh thần nên họ ngại trực tiếp tiếp xúc với bộ đội ta. Thực tế khi về ở cùng với họ trong các cơ sở càng thấy rõ điều đó.

Tổ của tôi có 5 người, do tôi làm tổ trưởng, tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Khi xe của Pháp đưa chúng tôi tới đây, tôi nhìn thấy trên lan can tầng hai chúng căng một khẩu hiệu được cắt bằng giấy vàng, dán trên vải đỏ: "Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ". (Đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta ở Thanh Hóa). Vào tới nơi, tôi đấu tranh với họ để gỡ xuống. Tối 8-10, anh em chúng tôi ngồi quây quần bên nhau ca hát. Một lính Pháp thấy vậy cùng đến chung vui. Lúc sau, một viên sĩ quan gọi lên, đánh rồi cấm, không cho anh ta đến chỗ chúng tôi. Đêm, anh ta lẻn đến, ném vào chỗ chúng tôi nằm 2 bao thuốc lá Cotab. Chiều 9-10, sau khi Pháp bàn giao toàn bộ cơ sở cho chúng tôi, họ tập hợp lại để rút xuống Hải Phòng.

Với người dân Hà Nội, nỗi niềm mong đợi ngày giải phóng đã dồn nén từ lâu, ngày 9-10 được bung ra. Mặc dù quân Pháp còn ở Hà Nội nhưng nhiều thanh niên nam nữ đã hăng hái dựng cổng chào, tết hoa, giăng đèn trên các đường phố mà đại quân ta tiến vào. Nhiều khẩu hiệu được cắt một cách nắn nót bằng giấy vàng, dán trên vải đỏ, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoan nghênh đại quân về giải phóng Thủ đô, căng ở khắp nơi. Sáng 10-10, cả Hà Nội đỏ rực một màu cờ đỏ sao vàng trên các cửa nhà, nóc nhà, trên các cột điện và các hàng cây xanh để đón đoàn quân chiến thắng trở về. Khi 3 trung đoàn của Đại đoàn 308 hùng dũng tiến về Hà Nội, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, rồi đến Trung đoàn 36, 88 qua 3 cửa ô: Cầu Giấy, Cầu Dền và Kim Liên. Các đoàn quân đi trong rừng cờ và rừng người với áo quần chỉnh tề, đủ màu sắc và mọi lứa tuổi. Họ mang theo cờ, hoa và cả những nhạc cụ ra đón chào những người con ưu tú của mình sau những năm xa cách nay đã trở về. Họ vẫy tay, ca hát, tặng hoa. Nhiều người xông cả vào đoàn quân, ôm lấy bộ đội, như gặp lại người thân. Cảnh tượng ấy tạo nên một không khí thật thân tình và náo nhiệt!

Trong những ngày ấy, niềm vui sướng của người dân Thủ đô không biết dùng từ nào để tả. Nó diễn ra trong tâm hồn mỗi con người, thể hiện trên ánh mắt, nụ cười. Từ mỗi con người, mỗi căn nhà và từng ngõ xóm, không phân biệt già trẻ, trai gái, giàu nghèo. Nhiều người không nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui. Chúng tôi ra đường gặp ai cũng cảm thấy như thân quen, họ bắt tay, chào hỏi rất chân tình, như thể những người thân đi xa mới về.

Sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc tới chuyện làng Vân. Làng Vân nằm sát bốt địch ở phía bắc cầu Đuống. Chúng tôi đến làng Vân chiều tối 7-10, ngủ đêm ở đây để sáng hôm sau ra cầu Đuống cho kịp giờ quy định. Đến nơi, anh nuôi chuẩn bị bữa chiều cho đơn vị. Nhưng không biết từ đâu, các mẹ, các chị ùn ùn mang đến đủ thứ nào gà, nào gạo, nào rau… dù chúng tôi đã mang theo đầy đủ lương thực, thực phẩm cho mấy ngày liền. Theo quy định, khi vào tiếp quản chúng tôi không được nhận quà của bất cứ ai. Nhưng rồi các mẹ, các chị ùa vào bếp, giúp anh nuôi chuẩn bị bữa ăn người giết gà, người nhặt rau, người vo gạo… Sự việc đến bất ngờ, anh nuôi hoàn toàn bị động, không thể ngăn nổi. Thật là chuyện "bất đắc dĩ", nhưng chứa đựng tình cảm không bờ bến của những người dân, bao nhiêu năm sống dưới ách kìm kẹp của thực dân, chỉ mong bộ đội về giải phóng quê hương. Nay bộ đội đã về. Mặc dù quân Pháp vẫn còn ở kề bên và hôm ấy vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của chúng, nhưng người dân làng Vân không sợ. Họ công khai làm mọi điều để biểu lộ tình cảm của mình đối với những người con mà họ hằng mong đợi. Tình cảm ấy không kẻ thù nào có thể ngăn nổi.

Cũng như người dân làng Vân và ở các miền quê khác, sự khát khao mong chờ ngày giải phóng của nhân dân Hà Nội đã bị dồn nén từ lâu. Bởi vậy, mọi người muốn biểu lộ hết tình cảm của mình, bằng tất cả sự âu yếm và trìu mến dành cho bộ đội.

Từ nay, Thủ đô ta không còn bóng dáng những tên xâm lược. Âm mưu phá hoại của chúng cũng đã bị chặn đứng. Nhân dân Hà Nội được sống trong cảnh hòa bình, mọi nhu cầu sinh hoạt như điện, nước được bảo đảm ổn định. Các nhà máy, bệnh viện và giao thông vẫn hoạt động bình thường.

Năm nay kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, người Anh cả của Quân đội đã đi xa. Vị tướng tài ba, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, thiên tài quân sự Việt Nam và thế giới thế kỷ XX, người đã ra lệnh cho chúng tôi vào hang ổ của kẻ thù để đấu tranh với chúng, ngăn chặn không cho chúng phá hoại cơ sở vật chất hoặc lôi kéo đồng bào ta vào Nam. Người còn nhắc chúng tôi luôn luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: Phải tránh xa "viên đạn bọc đường". Nhớ tới Đại tướng, lòng chúng tôi trào dâng một niềm tiếc thương vô hạn. Kính mong linh hồn Đại tướng được thanh thản nơi chín suối và phù hộ cho đất nước ta ngày càng giàu, đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi.

Đại tá Dương Niết