Chuẩn bị trình Chính phủ 6 dự thảo NĐ hướng dẫn Luật Xây dựng năm 2014

Kinh tế - Ngày đăng : 15:03, 03/10/2014

(HNMO) – Sáng 3/10, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo về các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng năm 2014.


Luật Xây dựng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, thay thế cho Luật Xây dựng năm 2013. Hiện Bộ Xây dựng đang khẩn trương soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2014, để Chính phủ xem xét, ban hành và kịp thời thực hiện khi Luật Xây dựng 2014 chính thức có hiệu lực.

Hội thảo được tổ chức hôm nay nhằm lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội ở khu vực phía Bắc (trước đó đã tổ chức ở khu vực phí Nam). Đây là một khâu có ý nghĩa rất quan trọng, để giúp Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ; đảm bảo các Nghị định khi được ban hành phải cụ thể hóa được các quy định của Luật Xây dựng 2014, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, đặc biệt là có tính khả thi cao và sớm đi vào cuộc sống.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Hoạt động đầu tư xây dựng có vai trò rất quan trọng, trực tiếp tạo ra tài sản cố định cấu thành bộ phận chủ yếu của cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nói riêng, cho toàn xã hội nói chung. Những năm vừa qua, đầu tư xã hội của nước ta duy trì ở mức khoảng 30-40% GDP, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản thường xuyên chiếm khoảng 80% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Luật Xây dựng 2014 được thông qua đã đánh dấu một bước đổi mới căn bản, toàn diện về thể chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng. Luật tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa” cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách thái quá trong quản lý đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Chính phủ sẽ ban hành 6 Nghị định mà Bộ Xây dựng đưa ra xin ý kiến: Nghị định về quy hoạch xây dựng; Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định về quản lý chi phí xây dựng xây dựng; Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: phạm vi điều chỉnh và nội dung chủ yếu của các Nghị định đã đảm bảo điều chỉnh đầy đủ các vấn đề liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng theo phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng năm 2014 hay chưa? Có cần thiết điều chỉnh, bổ sung những nội dung nào trong dự thảo hay không? Các quy định trong các dự thảo Nghị định đã đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xây dựng năm 2014, giữa các Nghị định với nhau và với các quy định tại các Luật, Nghị định có liên quan đến đầu tư xây dựng (Luật Đất đai, Đầu thầu, Đầu tư công...) hay chưa? Có những điểm nào còn chồng chéo, mâu thuẫn, cần phải sửa đổi, bổ sung…. Đối với vấn đề cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép, có liên quan trực tiếp và tác động lớn đến doanh nghiệp, người dân, vì vậy rất cần thiết các quy định trong Nghị định phải bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp xin cấp giấy phép xây dựng, nhưng vẫn phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng…

Qua hội thảo, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ tất cả ý kiến tham gia, đóng góp để bổ sung, hoàn chỉnh các dự thảo Nghị định này trước khi trình Chính phủ; để các Nghị định được ban hành đảm bảo chất lượng, tiến độ, có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển thị trường xây dựng Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Tám nội dung đổi mới căn bản của Luật Xây dựng 2014 :
- Một là, phạm vi điều chỉnh của Luật đã điều chỉnh toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng để tạo lập ra sản phẩm cuối cùng là các công trình xây dựng.

- Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt để các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy hoạch và kế hoạch.

- Ba là, phân định rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau phải có phương thức và phạm vi quản lý khác nhau.

- Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng.

- Năm là, đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước.

- Sáu là, tăng cường quản lý trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép

- Bảy là, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

- Tám là, bổ sung các quy định về bảo hiểm công trình xây dựng.

Lan Hương