Cảm xúc mùa thu của người Hà Nội xa quê trong album “Phố thu”

Văn hóa - Ngày đăng : 13:29, 03/10/2014

(HNMO) - Hơn mười bài hát trong album

CD "Phố thu" ra mắt đúng đợt kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014)


13 ca khúc trong album phổ thơ của các nhà thơ cả chuyên nghiệp và không chuyên. Với những người làm thơ không chuyên, thơ họ hiện ra thật có hồn, thật tự nhiên, dung dị như cuộc sống vốn phải thế. Mùa thu vốn đã rất đẹp rồi, thơ không phải cố tình khoác cho nó tấm áo tô vẽ bởi bàn tay con người. Nhiệm vụ của người nhạc sĩ là nhận ra nó và tôn vinh nó bằng ngôn ngữ âm nhạc. Âm nhạc Quỳnh Hợp đã làm cho thu Hà Nội dẫu mơ hồ nhưng hiện hữu ngay bên ta, bâng khuâng và níu chân người đi.

Không đứng trên mùa thu mà miêu tả, người viết đứng ở chiều kích này mùa thu thế này, ở góc độ kia mùa thu thế khác. Đa diện và giàu biểu cảm. Hà Nội đã đẹp ở nhiều hương sắc nhưng đẹp ở âm thanh thì thật khó nhận ra. Đó là âm thanh mùa thu. Giọt mưa mùa thu cũng khác giọt mưa mùa hè (Gửi mưa). Đầu mùa thu khác với giữa hay cuối mùa thu (Chớm thu, Thế là thu sang ). Nghe tiếng phố thở, thấy mình bồng bềnh trong sương sớm bên hồ hay lúc qua cầu Long Biên, một cảm giác chỉ người Hà Nội mới thấy và nhớ (Tiếng phố thở, Bồng bềnh phố thu). Người Hà Nội đi xa về lại thấy mùa thu trong nét nhạc “Tìm về mùa thu”, “Nhịp bước em về”, “Mơ về Hà Nội” rồi đến lúc xa Hà Nội lại thấy mình day dứt ở “Bâng khuâng mùa thu”, “Níu bước thu đi”.

Mùa thu thâm trầm, nhỏ thành giọt, len lỏi vào phố, vào ký ức như những bước chân đi vào từng ngõ ngách của lòng mình (Phố thu)… Bao nhiêu là điểm xuyết mùa thu đều được Quỳnh Hợp nhấn nhá qua giai điệu âm nhạc, đến nỗi, Hà Nội mùa thu trở thành nét đặc trưng của vẻ đẹp Hà Nội mỗi khi thu về, khiến người xa Hà Nội đau đáu nhớ quê, khiến người muôn phương phải “Ngỏ lời yêu Hà Nội”.

Nhạc sĩ, nhà báo Quỳnh Hợp là một người con Hà Nội nên album "Phố thu" chị viết với một cảm xúc rất khác 


Trong album “Phố thu”, phải kể đến một xử lý đáng khen của Quỳnh Hợp ở ca khúc “Những mùa hoa Hà Nội”. Bài hát được thể hiện bởi giai điệu tươi tắn và độc đáo nhưng rất dễ hiểu lầm. Khái niệm “Những mùa hoa Hà Nội” không chỉ là những mùa hoa theo 4 mùa giống như 4 mùa hoa vẫn nở mà Hoa Hà Nội là bốn mùa người đi thấy trên phố chứ không phải thấy trong vườn. Thế nên hoa sấu, hoa dâu da xoan hay hoa ban ta lại thấy là hoa Hà Nội. Cám ơn nhạc sĩ đưa ta về với những con đường mà ta hằng đi qua bao có những mùa hoa bình dị.

Nhạc Quỳnh Hợp trẻ nhưng vẫn đằm thắm. Quỳnh Hợp đi nhiều và lăn vào cuộc sống. Chị đến với nhiều vùng đất, đến cả những nơi gian khổ và sóng gió. Chị viết bất cứ lúc nào, ở đâu, bất cứ đề tài nào, miễn là có ích cho cộng đồng theo cảm quan nhanh nhạy của người nghệ sĩ làm báo. Quỳnh Hợp viết nhạc như viết báo, viết tin. Đó là những gì nhìn thấy, cảm thấy, những gì đang diễn ra trong cuộc sống, về một sự kiện, về đồng bào mình. Có lẽ vì thế mà nhạc Quỳnh Hợp được quảng bá rộng khắp, được đông đảo người nghe đón nhận và đồng cảm bởi tính thời đại được biểu cảm chân thực và sinh động của tác phẩm. Thể hiện toàn bộ những ca khúc trong album “Phố thu”, ca sĩ Đức Quang đã hát rất xúc cảm, thoải mái, không gò ép, biểu đạt những cảm nhận riêng với Hà Nội và thăng hoa cùng âm nhạc của Quỳnh Hợp.

Nghe album Phố thu, những người Hà Nội đi xa sẽ thấy mình trong đó, sẽ thấy Hà Nội của mình giản dị, thanh tao và đáng yêu ngần nào.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Luân