Huyện Gia Lâm: Chậm tiến độ vì thiếu vốn

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 03/10/2014

(HNM) - Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Gia Lâm phấn đấu đến năm 2015 có 13 xã (chiếm 65% số xã) đạt tiêu chí NTM và đến hết năm 2020 hoàn thành xây dựng NTM. Thế nhưng, đến nay, huyện mới có 2/20 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.


Nhà văn hóa thôn 2, xã Đông Dư vừa được xây dựng.


Chủ tịch UBND xã Đông Dư Đồng Minh Tiến cho biết, là xã thuần nông, trên địa bàn không có doanh nghiệp nên vốn đóng góp của doanh nghiệp cho xây dựng NTM không có. Trong khi đó, nếu vận động người dân đóng góp xây dựng các công trình tâm linh rất thuận lợi (từ đầu năm đến nay, người dân đã đóng góp được khoảng 400 triệu đồng trùng tu di tích), thì việc vận động người dân đóng góp xây dựng hạ tầng lại rất khó. Hiện Đông Dư đã hoàn thành 15 tiêu chí, 4 tiêu chí còn lại gồm: Trường học, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… nếu không có vốn thì không thể hoàn thành được. Ví dụ, trường THCS của xã còn thiếu 8 phòng chức năng, đã bố trí quỹ đất nhưng chưa có kinh phí để xây dựng. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, đến ngày 30-9, địa phương đã có 14 tiêu chí đạt, 5 tiêu chí chưa đạt, đều là tiêu chí cứng như chợ, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi… Do địa phương chưa đấu giá được đất nên chưa có kinh phí xây dựng NTM. Hiện xã có 3ha đất xen kẹt trong khu dân cư, quản lý rất khó, song không được chấp thuận chủ trương cho đấu giá do vướng mắc về thủ tục…

Sau gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Gia Lâm đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 huyện Gia Lâm, nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM của huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí đã đầu tư chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Tính đến hết quý II-2014, tổng vốn huy động xây dựng NTM của huyện Gia Lâm là 1.439 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố gần 63,5 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1.020 tỷ đồng, ngân sách xã gần 130 tỷ đồng; vốn lồng ghép 43,8 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp gần 92 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp hơn 54 tỷ đồng; vốn xã hội hóa 35,3 tỷ đồng… Như vậy, có thể thấy rõ cơ cấu nguồn vốn chủ yếu là ngân sách nhà nước (chiếm trên 80%), các nguồn huy động khác còn rất hạn chế, vốn nhân dân đóng góp chỉ chiếm khoảng 4%.

Mặc dù vậy, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gia Lâm Lưu Thị Thành lại dẫn ra một nghịch lý về việc xã hội hóa xây dựng NTM, đó là có 3 doanh nghiệp đứng ra xin được bỏ vốn xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao của một số xã, nhưng lại vướng về thủ tục đầu tư. Xã Đa Tốn đã lên dự toán xây dựng khu trung tâm văn hóa, thể thao của xã, dự kiến 15 tỷ đồng. Hiện có một doanh nghiệp đứng ra xin được đầu tư công trình với mức kinh phí 30 tỷ đồng để xây dựng khu văn hóa, thể thao quy mô, hiện đại với bể bơi, sân bóng đá, sân cầu lông… Song, theo quy định, xã không được phép cho doanh nghiệp hợp đồng thuê đất. Bà Lưu Thị Thành kiến nghị, trong khi nguồn vốn xây dựng NTM chủ yếu từ ngân sách, thì việc xã hội hóa để giảm gánh nặng cho Nhà nước là vô cùng cần thiết; đồng thời đề nghị thành phố cho phép các xã được chỉ định hoặc đấu thầu như các công trình bình thường, nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Hùng cho biết, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến hết năm 2014, huyện cần khoảng 535 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố 194 tỷ đồng, ngân sách huyện 150 tỷ đồng, ngân sách xã 30 tỷ đồng, vốn lồng ghép 104 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 23 tỷ đồng. Bên cạnh những nỗ lực của địa phương, huyện Gia Lâm kiến nghị thành phố bố trí đủ vốn để xây dựng NTM tại các xã theo kế hoạch, trong đó tập trung bố trí vốn cho 3 xã hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2013 và 6 xã hoàn thành năm 2014; đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất xen kẹt, nhất là các dự án tại các xã có diện tích nằm ngoài đê sông Hồng. Huyện kiến nghị: Tiêu chí trường học, không nhất thiết phải đạt chuẩn mới được điểm; tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, không nhất thiết phải có trung tâm văn hóa thể thao quy mô xã do các tiêu chí này cần rất nhiều kinh phí và chưa thực sự cấp thiết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Hùng: Số tiêu chí chưa hoàn thành còn rất ít nhưng đều là những tiêu chí cần nhiều kinh phí. Ngoài ra, đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các xã trên địa bàn huyện chủ yếu nằm trong vùng quy hoạch phân khu đô thị N9, N11, nhất là hai xã: Bát Tràng, Kim Lan nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng, rất khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí thủy lợi và bố trí diện tích đất xây dựng nhà văn hóa thôn. Đến thời điểm này, huyện mới có 2/20 xã là Đa Tốn và Yên Viên được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Nguyễn Mai