Chênh lệch lãi suất ngân hàng ngày càng giảm

Tài chính - Ngày đăng : 15:50, 01/10/2014

(HNMO) –Thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ chênh lệch lãi suất trung bình của 15 tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2013.


Tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho biết, chênh lệch lãi suất toàn ngành (NIM) ngày càng giảm, ảnh hướng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Chênh lệch lãi suất của hầu hết ngân hàng giảm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Cơ quan này đưa ra dẫn chứng. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm mà các ngân hàng công bố, tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ NIM trung bình của 15 tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay các ngân hàng không “ăn” chênh lệch lãi suất khủng như đồn đoán. Được biết, theo thông tin được đưa trên báo chí, tính trung bình lãi suất huy động-cho vay, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chênh lệch lãi suất thời điểm cao nhất là 3,5%, còn vào thời điểm khoảng giữa năm 2013 là khoảng 2%.

Việc chênh lệch lãi suất huy động-cho vay giảm ,một phần nguyên nhân được cho là thời gian qua, lãi suất cho vay giảm đáng kể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng tín dụng.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 29/8, đại diện cơ quan quản lý này cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Cùng với đó, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 14/8/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,45% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,45% tổng dư nợ cho vay bằng VND.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 9/2014, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 7,3-7,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Một số ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014, một trong những giải pháp mà UBGSTCQG đề xuất là, trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho tổ chức tín dụng, nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống tổ chức tín dụng.

Hương Thủy