Triển khai Đề án tái cơ cấu chăn nuôi: Vẫn còn lúng túng

Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 01/10/2014

(HNM) - Hiện nay, nhiều địa phương đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, bền vững, đủ sức cạnh tranh với các thực phẩm nước ngoài.



Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp không ít vướng mắc do chưa xác định được đối tượng nuôi mang lại giá trị cao, chưa kể nhiều vấn đề khác như thị trường tiêu thụ, xây dựng hệ thống lò giết mổ tập trung.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến nay đã có 40/63 Sở NN&PTNT và 17/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng; 4/63 tỉnh đang xây dựng kế hoạch hành động; 3/63 tỉnh đang rà soát lại quy hoạch chăn nuôi tại địa phương; 16/63 tỉnh đang xây dựng dự thảo đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chăn nuôi… Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương còn lúng túng do vậy, chủ yếu vẫn là thống kê để xác định tăng trưởng chứ chưa có những đột phá trong xây dựng kế hoạch. Mục tiêu đưa ra thường chung chung, chưa xác định rõ đối tượng vật nuôi chính và vùng sản xuất chủ lực. Nhiều giải pháp đưa ra thiếu cụ thể, chưa sát với đối tượng.

Nhiều địa phương chưa đề xuất được các dự án cụ thể để giải quyết từng nội dung tái cơ cấu cho từng đối tượng vật nuôi. Vấn đề thị trường, tiêu thụ, chế biến, giết mổ chưa được nêu bật trong đề án. Hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, dịch vụ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ phục vụ cho chăn nuôi còn nhiều yếu kém và chậm đổi mới nên khó đưa các mô hình vào ứng dụng trong thực tiễn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng những vùng chăn nuôi trọng điểm để hình thành các trang trại quy mô lớn gắn chế biến với giết mổ và phát triển con giống. Nhưng sẽ rất khó khăn vì hiện nay hệ thống giết mổ nhỏ lẻ trong dân cư của Hà Nội còn tới gần 3.000 điểm. Ở những vùng chăn nuôi đã được quy hoạch thì chưa đầu tư hạ tầng cơ sở như đường, điện, hệ thống thủy lợi do chưa có kinh phí, gây khó khăn trong sản xuất…

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, từ nay đến cuối năm 2014, các địa phương cần hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tập trung vào 4 nội dung: Tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo vùng; tái cơ cấu vật nuôi; tái cơ cấu về phương thức sản xuất chăn nuôi và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng. Do vậy, các địa phương cần rà soát lại đề án đã và đang phê duyệt để xây dựng kế hoạch phù hợp; đồng thời phân kỳ kế hoạch cho từng năm. Ngoài ra, cần tập trung cho kế hoạch từ năm 2015-2017 nhằm giải quyết một số tồn tại như: Công tác quản lý giống, chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, đầu tư cho vùng sản xuất trọng điểm, chính sách cho giết mổ, chăn nuôi nông hộ gắn với an toàn dịch bệnh thông qua tăng cường năng lực hệ thống thú y… Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm tới việc xây dựng vùng, khu an toàn dịch bệnh và rà soát lại hệ thống các dịch vụ chăn nuôi - thú y để có chính sách phù hợp.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với các doanh nghiệp, cơ sở liên quan và kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên phạm vi cả nước, mỗi địa phương cần xây dựng những dự án cụ thể trên cơ sở bám sát nội dung đề án tái cơ cấu. Các dự án ưu tiên bao gồm giống và xây dựng vùng giống, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, các mô hình khuyến nông hiệu quả. Đề án cần xác định rõ sự sắp xếp về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi lợn, gà, bò thịt, sữa, trong đó nêu rõ việc điều chỉnh tỷ lệ cơ cấu thịt hơi xuất chuồng để thịt lợn giảm còn 62% vào năm 2020, tăng tỷ lệ thịt gia cầm lên 28% và thịt trâu bò là 10%; sản lượng sữa đạt trên 0,9 triệu tấn/năm. Còn những sản phẩm khác tùy theo lợi thế cạnh tranh và điều kiện của từng địa phương để phát triển bền vững. Các địa phương cũng cần làm tốt công tác dự báo thị trường, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chăn nuôi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi - thú y nhằm tạo ra những vùng chăn nuôi được kiểm soát dịch bệnh ngay từ gốc.

Ngọc Quỳnh