Bài cuối: "Cởi trói" cho hạt gạo
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 01/10/2014
Ruộng đất manh mún và vật tư đắt đỏ
Hiện nay, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đang nghiên cứu đề tài "Phân tích ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúa gạo đến lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam". Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, phần giá trị gia tăng của nông dân bị hao hụt chủ yếu ở phân khúc thị trường đầu vào, bao gồm: quy mô canh tác và vật tư (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Đồng thời, ở phân khúc thị trường thương mại, quyền lợi của nông dân cũng đang bị chiếm đoạt bởi các doanh nghiệp, thông qua việc chiếm dụng các ưu đãi nông nghiệp, các gói trợ giá và các chính sách ưu đãi khác của nhà nước mà lẽ ra người nông dân được hưởng. Ngoài ra, người trồng lúa còn bị chiếm đoạt giá trị gia tăng thông qua việc ép giá thu mua từ thương lái để có nguồn cung gạo xuất khẩu đủ đáp ứng những đơn bán hàng giá thấp đã ký.
Tìm đầu ra với giá trị kinh tế cao cho lúa là hết sức cần thiết để giúp nông dân ổn định cuộc sống. |
Nhìn tổng thể diện tích đất trồng lúa vẫn giữ ở mức 3,8 triệu hécta theo đúng chỉ đạo của trung ương. Nhưng nếu tính bình quân, theo thống kê, ở ĐBSCL hiện chỉ có 0,6ha/người và ở đồng bằng Bắc bộ còn thấp hơn. Đây chính là mức bình quân đất đai khiến cho nông dân không đủ sống nếu chỉ trông chờ vào trồng lúa. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhớ lại: "Hồi mới giải phóng, mấy anh ngoài Bắc vào ĐBSCL bảo là trong này toàn địa chủ hết vì ai cũng có 5 đến 10ha ruộng". Nguyên nhân đầu tiên cần phải kể đến là do tập quán thừa kế ruộng đất ở ĐBSCL. Nếu ông bà có ruộng theo đúng chính sách hạn điền là 3ha và có 3 người con thì mỗi người con sẽ được chia 1ha. Ba người con này sinh con đẻ cái, ví dụ chỉ sinh 2 con theo đúng chính sách thì những đứa con này sẽ chỉ được mỗi đứa 5 công ruộng. Đến đời nữa thì số đó lại được chia ra tiếp. Rõ ràng, ruộng đất sẽ ngày càng manh mún nếu cứ để mọi thứ tiếp tục như vậy.
TS Lê Văn Bảnh cho rằng, việc Việt Nam chỉ định hạn điền cận trên mà không định cận dưới là đi ngược với thế giới bởi lẽ nhiều nước trên thế giới không định cận trên mà chỉ định cận dưới. Một người nếu biết tích lũy có thể có cả ngàn hécta cũng không sao. Một số nước bảo đảm định cận dưới, nước thì là 1ha, nước thì 3ha. Ví dụ, anh có hơn 1ha, nhưng có 3 người con thì khi làm giấy chuyển nhượng chỉ có 1 người được nhận đất nông nghiệp với điều kiện người này phải có chứng chỉ học nông nghiệp. Còn ở Việt Nam, có một sào đất cũng là nông dân, đi đâu làm gì chẳng biết, con quay về bố mẹ sẽ chia cho 1 sào. TS Lê Văn Bảnh khẳng định, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ không chỉ gây khó cho nông dân hiện tại mà còn gây khó cho việc bố trí, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Công tác dồn điền đổi thửa đang được tích cực triển khai tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, ở phía Nam, nông dân và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để có được những cánh đồng lớn. Nhưng cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang còn ít và khó được nhân rộng vì đòi hỏi trình độ quản lý cao, vốn đầu tư lớn. Còn mô hình góp ruộng để làm cánh đồng lớn như ở xã An Hòa (Châu Thành, An Giang) thì lại mang tính tự phát của nông dân và hiệu quả chưa cao.
Có ý kiến cho rằng sao không dựa vào các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trước đây để làm cánh đồng lớn? "Hiện nay, ở ĐBSCL tỉnh nào cũng có HTX nông nghiệp nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó hoạt động có hiệu quả", TS Lê Văn Bảnh khẳng định: Mô hình HTX trước đây thất bại khiến cho nông dân không còn mặn mà góp ruộng với HTX nữa.
Ông Lê Nghĩa Thuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết, cả huyện còn 16 HTX chiếm tới 25% diện tích đất nông nghiệp nhưng vấn đề là các HTX thường "chạy" nơi đất xấu, còn các doanh nghiệp tư nhân thì gom đất tốt để làm. Những HTX kiểu cũ này thường thì ông chủ nhiệm già cứ làm theo kiểu cũ hoặc do đại diện một dòng họ đứng ra để giữ đất nên ngại đổi mới. Là một cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu, huyện Chợ Mới điển hình cho thực tế đất nông nghiệp manh mún. Huyện đang cố gắng gom đất của 600 nông hộ để có được cánh đồng rộng khoảng 450 ha và định sẽ đưa vào để sản xuất vụ thu đông này. Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi như thủy lợi (ngân sách chi cho thủy lợi lên gần 9 tỷ đồng trong năm 2014), giống lúa, nhưng do nhiều loại vật tư đầu vào như chi phí nhân công, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng trong khi giá đầu ra bấp bênh nên chưa biết có hiệu quả hay không.
Nông dân gánh chịu thiệt thòi
Trong khi các yếu tố đầu vào như ruộng đất manh mún, giá cả vật tư leo thang thì đầu ra của cây lúa lại bị khống chế bởi các doanh nghiệp nhà nước độc quyền xuất khẩu gạo như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI chi nhánh Cần Thơ thẳng thắn nhận định: "Vinafood đã khuynh loát và làm méo mó thị trường gạo trong thời gian dài". Ngoài việc chiếm một thị phần rất lớn, Vinafood là công ty mẹ có nhiều công ty con nên tiếng nói có tác động mạnh tới các bộ, ngành. Và thực tế việc phân bổ quota xuất khẩu gạo của Vinafood đã tước đoạt cơ hội của nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Vinafood là doanh nghiệp lớn nên họ chỉ quan tâm tới các lô hàng lên tới hàng chục ngàn và trăm ngàn tấn với giá trị xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu đô la. Ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, các "ông lớn" này trông chờ chủ yếu vào các hợp đồng xuất khẩu gạo ký kết giữa chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, "Họ cứ quanh quẩn bám lấy thị trường trong nước mà không chiến đấu ra thị trường quốc tế", TS Võ Hùng Dũng nhận xét.
Về thị trường xuất khẩu, TS Lê Văn Bảnh nhận định rằng: "Việt Nam cũng đang làm ngược với trào lưu của thế giới". Theo lẽ thường, qua xúc tiến thương mại, các "ông lớn" sẽ biết vùng Đông Bắc Á, Trung Đông, Tây Âu, Bắc Mỹ, rồi các nước Hồi giáo thích ăn loại gạo gì, liệu Việt Nam có khả năng đáp ứng không. Sau đó, họ mới quay về đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu quy trình sản xuất loại gạo mà thị trường có nhu cầu rồi đưa về vùng nguyên liệu và thu hoạch để xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Khi doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu giống lúa đưa quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap rồi từ đó tạo ra vùng nguyên liệu trồng lúa. Ví dụ để xuất sang Nhật Bản, gạo phải đạt 593 chỉ tiêu. Khi có gạo rồi thì mở sàn đấu giá, lúc đó gạo mới bán được giá cao.
Nhưng Việt Nam không làm như vậy. Các nhà khoa học tự nghiên cứu ra giống, nông dân thấy loại giống đó ăn được, năng suất cao thì trồng. Các "ông lớn" thấy lúa gì thì mua lúa đấy nên mới sinh ra loại gạo trộn, phẩm cấp thấp, không bán được giá cao. Ví dụ, khi Philippines cần 800.000 tấn, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ tham gia đấu thầu và Việt Nam đã trúng thầu với giá rất thấp. Nhưng mới đây, trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo xuất sang Philippines, Việt Nam vẫn không trúng thầu cho dù bỏ giá thấp nhất. Giá Việt Nam bỏ thầu là 460 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn mức giá trần những 3,4 USD/tấn. Các chuyên gia khẳng định, nếu Việt Nam cứ tiếp tục xuất khẩu gạo với giá thấp như thế thì chính người ăn gạo ở Philippines sẽ được hưởng lợi những khoản trợ cấp về thủy lợi của Việt Nam chứ không phải những người trồng lúa đang vật lộn mưu sinh trên các cánh đồng khắp cả nước. Nông dân Việt Nam đang chịu thiệt thòi vì chiến lược xuất khẩu gạo với giá thấp này.
Trong khi đó, Thái Lan lại đang thành công hơn Việt Nam trong xuất khẩu gạo khi họ lựa chọn hướng xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp cao, có thương hiệu và theo đơn đặt hàng của thị trường. Nguyên nhân căn bản là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của họ hoạt động từ lâu trên thị trường thế giới nên nắm vững nhu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau. Không phải tự nhiên mà GS.TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia hàng đầu về lúa gạo và hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ khẳng định: "Vấn đề mấu chốt là giải thoát thị trường".
*
* *
Đã đến lúc Nhà nước "cởi trói" cho hạt gạo và nông dân bằng việc thay đổi các chính sách liên quan đến lúa gạo như quy định hạn điền, quy định về xuất khẩu gạo, quy định về tạm trữ… để người trồng lúa thu được những gì xứng đáng với công sức của họ. TS Nguyễn Đức Thành gợi ý: "Thay vì xuất khẩu gạo ồ ạt với giá thấp, Việt Nam nên hướng đến xuất khẩu tập trung vào những loại gạo phẩm cấp cao. Và để tạo môi trường có tính cạnh tranh hơn trong xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam chỉ cần giới hạn quản lý ở chất lượng đầu ra của gạo và ở việc xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp".