Hai món quà đặc biệt

Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 30/09/2014

(HNM) - Chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngoài tham gia những hoạt động nghệ thuật chung của thành phố, các thế hệ giảng viên, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng (CĐ) Nghệ thuật Hà Nội còn chung tay xây dựng nhiều chương trình mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội.


"Giai điệu thu Hà Nội" - Điểm hẹn nghệ thuật

Với 47 năm hoạt động, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội đóng góp nhiều nghệ sĩ tài năng, nhà quản lý nghệ thuật xuất sắc cho cả nước. Không ít học sinh, sinh viên từ ngôi trường này đã thành danh, hiện đang là trụ cột của các đơn vị nghệ thuật, ngành văn hóa. Bởi vậy, những hoạt động nghệ thuật có sự góp sức của họ chắc chắn là điểm hẹn lý tưởng cho công chúng yêu nghệ thuật. 

Một cảnh trong vở kịch Bản danh sách điệp viên Ảnh: An ninh thủ đô


Triển lãm mỹ thuật "Giai điệu thu Hà Nội" mở từ ngày 1 đến 6-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đó là 70 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 21 họa sĩ giảng viên và nghệ sĩ nguyên là học sinh của trường, nay đã thành danh. Phó Hiệu trưởng nhà trường Vũ Tiến Dũng cho biết: "Tác phẩm góp cho triển lãm được mỗi họa sĩ chọn lựa rất kỹ lưỡng từ những tác phẩm sơn mài, sơn dầu, điêu khắc về Hà Nội của mình. Bởi vậy, dù sáng tác về một đề tài quen thuộc nhưng những tác phẩm trưng bày ở đây có sự mẫu mực trong bố cục, mảng khối mà vẫn mang đường nét, cảm xúc hiện đại, thể hiện cá tính".

Đáng chú ý, triển lãm có sự tham gia của nhà điêu khắc, họa sĩ Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL. Ông mang đến "Giai điệu thu Hà Nội" hai bức sơn mài, thể hiện ký ức về Hà Nội xưa qua hình ảnh người hút thuốc lào và cây đèn cỏ. Đạo diễn, họa sĩ, NSND Nguyễn Hà Bắc góp cho triển lãm bức "Cầu Long Biên trong những ngày đánh Mỹ". Họa sĩ thể hiện tác phẩm trên chất liệu sơn dầu hiện đại, với cách xử lý đan chéo táo bạo, tạo đường nét mạnh mẽ, khỏe khoắn, quyết đoán như chính bản thân ông - người nghệ sĩ từng đi qua cuộc chiến. Ngoài ra, tác phẩm khổ lớn "Hoàng hôn trên cầu Long Biên" của giảng viên, họa sĩ Trần Thị Doanh được thể hiện bằng chất liệu sơn mài, đặt ngay trung tâm phòng trưng bày, để lại ấn tượng đặc biệt...

Nét riêng qua một kịch bản quen thuộc

Ra mắt ở thời điểm có nhiều tác phẩm sân khấu về Hà Nội được giới thiệu nhưng "Bản danh sách điệp viên" tự tin có một "chất" riêng để đem lại cảm giác thú vị cho khán giả. Với một kịch bản nổi tiếng của tác giả Văn Báu, viết về sự hy sinh thầm lặng của các điệp viên công an Hà Nội trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Thủ đô vào 60 năm trước, đạo diễn Nguyễn Huy Quang, hiện là giảng viên của trường, đã tạo dựng một vở diễn gây xúc động, phô bày nét hào hoa, tình người Hà Nội. Vở xoay quanh hai nhân vật chính là chiến sĩ công an tình báo của Hà Nội được "gài" vào hàng ngũ thực dân - Henry Thọ (tức Sơn) và nữ điệp viên người làng hoa Ngọc Hà mang tên Huệ. Họ đã trải qua nhiều hiểm nguy để mang được bản danh sách điệp viên về cho cách mạng. Đó là danh sách những người được quân đội Pháp cài lại trước khi rút quân hòng phục vụ âm mưu sau này với Việt Minh...

"Bản danh sách điệp viên" là kết quả lao động tập thể của các thế hệ sinh viên khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa trong hơn một tháng qua, có sự tham gia của các nghệ sĩ và cựu học sinh, sinh viên nhà trường hiện đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước: NSƯT Hoàng Lan (Đoàn Kịch CAND), nghệ sĩ Du Ca, Huy Hoàng (Nhà hát Tuổi trẻ), nghệ sĩ Tiến Hưng (Nhà hát Kịch Hà Nội). Bận bịu "việc nước", họ thu xếp tập vở vào đêm muộn, nhiều hôm liên tục từ 22h đến 3h sáng ngày hôm sau.

Vở được công diễn (miễn phí) vào tối 6-10, tại Nhà Văn hóa quận Bắc Từ Liêm và tối 8-10 tại Nhà Văn hóa quận Hà Đông.

An Nhi