Nêu gương sáng, vì sự phát triển của Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:26, 30/09/2014

(HNM) - Những người trực tiếp tham gia và chứng kiến sự kiện những đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô 60 năm về trước, nay nhiều người đã mất, những người còn sống nay tuổi đã cao niên.



Đi qua hành trình gian khổ bảo vệ và xây dựng đất nước, thế hệ người cao tuổi (NCT) hôm nay hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Trong suốt 60 năm qua, chính họ là những người hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, thúc đẩy công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước.

Người cao tuổi phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) phân loại rác, góp phần bảo đảm VSMT trên địa bàn. Ảnh: Bảo lâm


Tích cực xây dựng quê hương...

Ông Cấn Văn Lộ (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) là một trong những tấm gương NCT nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương. 16 năm làm công tác mặt trận, tham gia Ban Thanh tra nhân dân, ông không hề lùi bước trước khó khăn. Từ tham gia kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng người có công đến giám sát hoạt động của bộ phận "một cửa", các dự án, công trình cho UBND xã làm chủ đầu tư… việc nào ông cũng cố gắng làm đúng chức trách được giao. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông và Ban Thanh tra nhân dân (hầu hết là NCT) đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình GPMB, thi công các hạng mục công trình công cộng… Nhiều sai phạm đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đem lại niềm tin trong nhân dân. Những năm gần đây, xã Cấn Hữu không có khiếu kiện đông người, vượt cấp, tình hình an ninh chính trị ổn định.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội NCT TP Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho biết, không riêng xã Cấn Hữu, NCT trên địa bàn thành phố luôn là lực lượng chủ công trong tuyên truyền nhân dân xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự tại cơ sở. Thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng", không chỉ gương mẫu chấp hành các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, NCT đã hăng hái tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992… Hiện, toàn thành phố có 84.333 NCT tham gia công tác đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội… Bằng việc làm cụ thể, NCT góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, vai trò, vị trí của NCT trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được khẳng định.

… và tham gia phát triển kinh tế

Dù tuổi cao, NCT Thủ đô luôn năng động, tích cực, nêu cao gương sáng đóng góp cho gia đình, cộng đồng. Phong trào thi đua làm kinh tế giỏi được đông đảo NCT hưởng ứng, qua đó trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Cụ Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) đã cùng nhiều nghệ nhân cao tuổi dày công truyền nghề, bảo tồn nhiều mặt hàng truyền thống, đồng thời sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, góp phần phát triển thương hiệu lụa Vạn Phúc. Cụ Đỗ Thế Sử, ở tuổi 90 vẫn vững vàng với vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển xuất khẩu may mặc (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai), tạo việc làm cho hàng trăm công nhân… Nhiều NCT vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, không ngừng sáng tạo, phát huy tiềm năng về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, kỹ năng lao động. Các cụ trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, nông, lâm, ngư nghiệp… mang lại hiệu quả kinh tế cao. 3 năm gần đây, toàn thành phố đã có hơn 200.000 NCT tham gia trực tiếp sản xuất, trong đó có 6.495 NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, trang trại, 22.305 NCT làm kinh tế giỏi. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn NCT tuy không trực tiếp sản xuất nhưng bằng kinh nghiệm của bản thân đã tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn để con cháu làm ăn, kinh doanh hiệu quả.

Tại các huyện ngoại thành, NCT là lực lượng đi đầu tuyên truyền, vận động con cháu phát triển kinh tế. NCT gương mẫu hiến đất xây dựng công trình công cộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Văn Ngọc cho biết, qua 2 năm thực hiện chương trình "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", NCT đã tuyên truyền cho con cháu, gia đình, dòng họ và nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và thành phố. Các cụ còn đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch, xây dựng các công trình phúc lợi, tự nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm. NCT cũng đã đảm nhận 602 công trình, phần việc về xây dựng nông thôn mới như quản lý nhà văn hóa, nghĩa trang, cây xanh, xây dựng làng văn hóa, thực hiện tang văn minh tiến bộ… NCT đang tiếp tục phát huy, tích cực vận động con cháu cùng tham gia phong trào bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, văn minh đô thị… Dù ở vị trí nào, NCT Thủ đô cũng luôn gương mẫu, phấn đấu không ngừng vì sự phát triển của địa phương.

Là lớp người đã đi qua hai cuộc chiến tranh, có quá trình lao động, tích lũy các giá trị văn hóa, đạo đức, NCT Thủ đô luôn sống mẫu mực, phát huy trí tuệ và kinh nghiệm bản thân dẫn dắt con cháu, dòng họ vượt qua khó khăn để không ngừng phát triển, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta là phụ lão, phải đoàn kết làm gương cho con cháu…", luôn sống hết mình, cống hiến trí tuệ, sức lực cho Thủ đô và đất nước.

Hà Nội có 795.578 NCT, chiếm 11,3% dân số. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, NCT đã đóng góp 300.000 ngày công lao động, cùng con cháu hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, gần 116 tỷ đồng để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình phúc lợi.

Linh Chi