Cấp ủy đầu tiên ở Hà Nội tổ chức đối thoại với nhân dân: Nhiều kết quả tích cực
Chính trị - Ngày đăng : 06:03, 30/09/2014
(HNM) - Hôm qua 29-9, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu đã đối thoại với hơn 200 người dân, đại diện cho nhân dân 11 xã trên địa bàn để nghe đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
|
Người dân xã Hát Môn (Phúc Thọ) nêu ý kiến trong cuộc đối thoại. Ảnh: Võ Lâm |
Thực tế, đối thoại với nhân dân là một trong những biện pháp giúp lãnh đạo thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết nhiều vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn thời gian qua. Tuy nhiên, thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ để tổ chức đối thoại với nhân dân thì Huyện ủy Phúc Thọ là cấp ủy trực thuộc Thành ủy triển khai việc này.
Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại, Huyện ủy Phúc Thọ đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/HU ngày 16-9-2014, trong đó nêu rõ 3 cách chọn đại biểu nhân dân tham dự đối thoại gồm: Nhân dân tự nguyện đăng ký tham gia; các cụm dân cư lựa chọn và bốc thăm ngẫu nhiên. Hơn 200 đại biểu tham gia đối thoại hầu hết được người dân tín nhiệm. Trước khi cử đại diện tham gia đối thoại, các cụm dân cư tại 11 xã gồm Hát Môn, Cẩm Đình, Phương Độ, Xuân Phú, Vân Nam, Vân Hà, Vân Phúc, Thanh Đa, Tam Thuấn, Thượng Cốc, Long Xuyên đã họp và nêu ý kiến góp ý với Bí thư Huyện ủy. Bản tổng hợp ý kiến tại các cụm dân cư được gửi đi trước. Nội dung cuộc họp cũng là cơ sở để những người đại diện cho nhân dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng để nêu ý kiến trong cuộc đối thoại. Có thể nói, những khâu chuẩn bị của Huyện ủy Phúc Thọ cho cuộc đối thoại là khoa học và bảo đảm tinh thần dân chủ.
Phó Chánh văn phòng Ban Dân vận TƯ Bùi Hữu Sung: "Đây là lần đầu tiên Huyện ủy Phúc Thọ tổ chức nên có vấn đề cần rút kinh nghiệm. Nhưng theo tôi không khí đối thoại rất dân chủ. Những cuộc đối thoại như thế này sẽ giúp cho cấp ủy và nhân dân gần gũi hơn. Sắp tới các địa phương sẽ triển khai hướng dẫn của Ban Dân vận TƯ thực hiện đồng bộ hoạt động đối thoại này".
Trưởng phòng Đoàn thể (Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Phi Long: "Việc chủ động tổ chức đối thoại của Huyện ủy Phúc Thọ là rất tích cực. Đây là cơ sở thực tế để thành phố xem xét chỉ đạo các cấp ủy thực hiện Quyết định 218. Hiện nay, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy Đảng tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng Đảng theo Quyết định 218. Hoạt động đối thoại theo tinh thần Quyết định 218 sẽ được triển khai ngày càng rộng rãi". |
|
Mở đầu cuộc đối thoại, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, qua thu thập thông tin từ các cuộc họp cụm dân cư, có hơn 100 ý kiến kiến nghị khác nhau của nhân dân được tổng hợp. Chia thành 11 nhóm nội dung, đồng chí Ngọ Duy Hiểu lần lượt giải đáp từng nhóm. Giải đáp ý kiến người dân hai xã Long Xuyên, Cẩm Đình đề nghị huyện hỗ trợ mua máy cấy, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho biết, huyện đã hỗ trợ 50% kinh phí để mua 27 máy cấy và hiện đang được đưa vào sử dụng trên địa bàn. Theo chủ trương chung, tổ chức, cá nhân mua máy cấy được thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong 3 năm, đồng thời được huyện hỗ trợ 10% kinh phí mua máy (nhưng không quá 75 triệu đồng). Tuy vậy, nhiều người dân vẫn chưa hào hứng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, nên vấn đề là phải tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia. Về ý kiến phàn nàn của ông Đỗ Thanh Đằng ở xã Xuân Phú liên quan đến bộ phận "một cửa" chậm trễ xử lý hồ sơ cho tặng đất, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ xin lỗi vì sơ suất này. Đồng chí cho hay, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, lãnh đạo huyện đã cho rà soát thì phát hiện, cán bộ Văn phòng Đăng ký nhà đất in sót tài liệu trình ký. Việc này đã khiến việc cấp sổ đỏ cho ông Phúc chậm 6 ngày so với quy định... Phần giải đáp của Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ được các ý kiến nhân dân phát biểu trực tiếp tại cuộc đối thoại đồng tình.
Tiếp theo, đại diện nhân dân nêu câu hỏi tại hội nghị. Mỗi người nêu 3-4 ý kiến. Trong hơn một giờ, gần 20 lượt người dân đã phát biểu. Dựa trên nội dung các câu hỏi, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ phân công, ủy quyền cho lãnh đạo UBND huyện trả lời. Cuối cùng, Bí thư Huyện ủy kết luận cuộc đối thoại, giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành giải quyết những kiến nghị của người dân.
Trong hơn 4 giờ đối thoại, không chỉ đồng chí Bí thư Huyện ủy mà lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã được nghe hàng chục ý kiến người dân thẳng thắn góp ý, kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội. Nhiều người dân tham gia đối thoại đánh giá rất cao ý nghĩa Quyết định 218 của Bộ Chính trị và sự chủ động thực hiện của Huyện ủy Phúc Thọ. Ông Đặng Văn Tĩnh (80 tuổi, xã Vân Phúc) cho biết: "Từ khi tôi về sinh hoạt ở xã gần 40 năm, lần đầu tiên tôi được chứng kiến Bí thư Huyện ủy đối thoại với dân. Những cuộc đối thoại như thế này rất bổ ích, nên tổ chức thường xuyên và không chỉ với Bí thư Huyện ủy".
Trao đổi về cuộc đối thoại, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, cuộc đối thoại cho thấy, người dân đã tin tưởng và gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền huyện. Trước hết, thông qua cuộc đối thoại, cá nhân Bí thư Huyện ủy và cấp ủy, chính quyền huyện gần gũi với dân hơn, hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống dân cư, thấy được việc gì cần tập trung giải quyết cho dân... Cuộc đối thoại còn giúp cho cấp ủy các cấp trên địa bàn xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.
Được biết, cuối tháng 10, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ sẽ đối thoại với đại diện nhân dân các xã còn lại. Sau đó, Bí thư Đảng ủy các xã sẽ đối thoại với nhân dân trong tháng 11-2014.
Khoản b, Điều 7, Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị "Ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" quy định: "Tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân mỗi năm một lần". |