Cần sự quyết liệt của cơ quan chức năng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:46, 29/09/2014
Ông Đặng Chí Dũng, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông: Thực hiện đúng quy trình thu các khoản thu tự nguyện
Không thể phủ nhận là công tác xã hội hóa đã giúp ngành giáo dục đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặt khác, xã hội hóa cũng là kênh giúp học sinh có điều kiện tốt hơn trong chơi và học tại nhà trường, do đó chủ trương xã hội hóa là đúng. Tuy nhiên, do cách thức thực hiện không khoa học, nặng tính áp đặt nên mới nảy sinh tiêu cực, lạm thu. Mặc dù các trường đều khẳng định là tự nguyện và giáo viên không "dính" vào việc thu tiền, nhưng phụ huynh nào cũng lo lắng nếu không tham gia các khoản tự nguyện thì con em mình có gặp khó gì không? Liệu Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) có thực sự độc lập trong việc nộp các khoản tự nguyện hay có chỉ đạo ngầm của nhà trường? Quy định về quy trình thu các khoản tự nguyện đều rất rõ ràng, song do phụ huynh không nắm rõ nên một số công đoạn đã bị Ban đại diện CMHS và Ban giám hiệu các trường "cắt gọt" nên mới nảy sinh áp đặt. Do đó, phụ huynh cần được trang bị kiến thức, nắm bắt đầy đủ các quy định, các khoản đóng góp cho con em mình khi vào năm học mới. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thật sự khách quan, nghiêm túc.
Ông Nguyễn Văn Điệp, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa: Cần có quy định khung cho hoạt động của Ban đại diện CMHS
Cuối năm học, các học sinh được giáo viên chủ nhiệm thông báo mua sách giáo khoa cho năm học sau và đầu năm học lại được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu một loạt sách tham khảo, không ai ép buộc… Mặc dù vẫn có nhiều người cảm thấy e ngại nếu không "tự giác" mua thêm những loại sách này. Các dịch vụ này có vẻ như phù hợp vì cũng tiện lợi cho phụ huynh và học sinh, nhưng vẫn nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng đây là việc "kinh doanh thêm" của các thầy, cô. Bên cạnh đó, những việc có thật vẫn xảy ra trong thực tế như: Nước uống không bảo đảm, đồng phục kém chất lượng, khẩu phần ăn bị cắt giảm… khiến phụ huynh giảm lòng tin. Theo tôi, những bức xúc này liên quan rất lớn đến trách nhiệm của Ban đại diện CMHS, vì nếu bộ phận này thiếu trách nhiệm hoặc bị chỉ đạo từ Ban giám hiệu thì công tác giám sát của ban này sẽ bị vô hiệu hóa. Chưa kể, nhiều lớp, phụ huynh không được trực tiếp bầu Ban đại diện CMHS mà do giáo viên chủ nhiệm "chọn mặt" nên tiêu cực càng gia tăng. Thực tế cho thấy cần có biện pháp để định khung cho hoạt động của Ban đại diện CMHS, phải có mức trần cho các khoản đóng góp để ban này không thể tùy tiện thu và tiêu tiền của các phụ huynh được.
Anh Hà Thế Nam, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai: Bàn bạc, thống nhất trước khi thu các khoản tự nguyện
Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thực sự bị "choáng" khi biết mức thu các khoản tự nguyện tương đối "khủng" tại một số trường ở các quận nội thành, ven đô, nhưng đáng nói nhất là khoản thu quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp. Thực tế cho thấy, mức thu các khoản tự nguyện như mua sắm điều hòa, tủ đồ dùng học sinh, chăn gối, rèm... hầu như không được bàn bạc hay xin ý kiến phụ huynh trước khi thu hoặc có xin ý kiến thì chỉ là chiếu lệ. Phụ huynh, phần vì không dám có ý kiến vì con mình đang học tại trường, sợ bị trù úm, phần vì sĩ diện "chẳng lẽ mọi người đóng được mình lại không", nên dù chưa đồng thuận vẫn phải cố. Để bảo đảm quyền lợi của con em, hạn chế những bức xúc không đáng có từ phía phụ huynh, đề nghị các trường thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội và Sở GD-ĐT về quy trình quản lý và sử dụng các khoản thu tự nguyện; đồng thời, các trường cần bàn bạc, thống nhất trước khi thu các khoản tự nguyện.
Chị Lê Thị Linh, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai: Việc quản lý, sử dụng các khoản tự nguyện phải đúng mục đích
Mới đây, khi đọc Báo Hànộimới tôi thấy có bài viết phản ánh ở một trường THCS của huyện Phúc Thọ, nhà trường thu tiền nước tinh khiết của học sinh (dưới hình thức tự nguyện) nhưng chỉ chi mua nước tinh khiết một phần rất nhỏ, còn lại chi vào việc sửa chữa máy lọc nước, thay quả lọc, mua cốc... Việc chi tiêu không đúng mục đích diễn ra trong hai năm học liền (2012-2013 và 2013-2014), nhưng sẽ chẳng ai biết đến nếu không có đơn thư tố cáo của công dân. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh tình trạng lạm thu đầu năm ở các trường trên địa bàn Hà Nội. Để câu chuyện thu - chi đầu năm học không còn là vấn đề nóng, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền sở tại trong việc kiểm tra, giám sát việc thu, chi của các trường. Nếu trường nào thu chi các khoản tự nguyện sai mục đích cần xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.