Bảo đảm an ninh bệnh viện: Không chỉ là tăng cường biện pháp bảo vệ

Xã hội - Ngày đăng : 06:26, 29/09/2014

(HNM) - Tuần qua có chuyện bác sĩ của Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn bị người nhà bệnh nhân đánh trọng thương; vụ việc này một lần nữa gióng hồi chuông báo động về bảo đảm an ninh BV. Vấn đề là làm cách nào để giải quyết tận gốc nguyên nhân?


Sự ức chế từ cả hai phía

Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tại các BV lớn, nhỏ trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ côn đồ hoặc thân nhân người bệnh đập phá tài sản của BV, đánh trọng thương bác sĩ, y tá. Cách nay 2 tháng, tại Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) có chuyện người nhà bệnh nhân cho rằng cán bộ y tế bỏ mặc người bệnh nên đã lăng mạ, cầm ghế đuổi đánh y tá, bác sĩ. Trong lúc sự việc vẫn còn râm ran thì đêm 20-9 vừa qua, lại có thêm bác sĩ Phạm Thanh Tùng (BV Thanh Nhàn) bị một nam thanh niên chửi bới, hành hung trong khi đang cấp cứu bệnh nhân. Hậu quả là bác sĩ Phạm Thanh Tùng bị chấn động não, gãy cung tiếp xương gò má trái, không cử động được khớp thái dương, gò má...

Sự bất ổn về tình hình an ninh, trật tự trong BV khiến nhân viên y tế hoang mang, không yên tâm công tác, người bệnh có cảm giác bất an, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị.

Quá tải là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Ảnh: Bá Hoạt



Sau những sự việc xảy ra, giải pháp thường thấy của các BV là tăng cường lực lượng bảo vệ tại các khoa, phòng, duy trì gắt gao chế độ trực cả ban ngày và ban đêm, lắp camera, hệ thống báo động ở những nơi tập trung đông bệnh nhân (khu chờ khám, quầy thu ngân, hành lang, phòng cấp cứu) và tổ chức nhân viên theo dõi thường xuyên. Nhiều BV tăng cường phối hợp với lực lượng công an phường sở tại, thuê vệ sĩ ứng trực 24/24h ở các khu vực "nhạy cảm", có BV còn dán số điện thoại khẩn cấp của công an phường, quận tại khắp các khoa, phòng… Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, để bảo vệ tính mạng cho thầy thuốc, giúp họ yên tâm công tác thì những biện pháp nói trên đều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng biện pháp tăng cường an ninh trong BV thì chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề.

Từ những vụ bạo hành nhân viên y tế đã xảy ra, câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng bạo lực với người thầy thuốc chủ yếu xảy ra tại những khu vực tập trung đông bệnh nhân của BV công mà không phải ở BV tư? Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) Trần Tuấn, điều dễ nhận thấy là ở BV công thường xảy ra tình trạng quá tải khiến y - bác sĩ chịu nhiều áp lực, bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Tâm lý ức chế từ cả hai phía dễ dẫn đến sự tức giận, bùng phát thành hành vi bạo lực. TS Trần Tuấn nhấn mạnh, nguyên nhân chính của tình trạng mất an ninh trong BV, nhất là hành vi hành hung nhân viên y tế hiện nay liên quan đến cách thức quản lý BV công còn có bất cập. Chính vì vậy, cần phải giải quyết bài toán cơ cấu tổ chức BV công, tạo sự minh bạch về trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề bảo đảm an ninh BV.

Loại bỏ nguồn gốc phát sinh bạo lực

Phân tích các vụ hành hung y - bác sĩ, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sự bức xúc của người dân trước trình độ chuyên môn, thái độ, tinh thần trách nhiệm của y - bác sĩ đối với người bệnh. Đôi khi, chỉ một chút sơ sểnh, thiếu quan tâm, thiếu tận tình với bệnh nhân đã dẫn đến hệ lụy khó lường.

Nói về vấn đề tăng cường an ninh trong BV, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng: BV đảm nhiệm 6 chức năng chính, đó là điều trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chỉ đạo tuyến và quản lý cơ sở vật chất, tài chính. Trong thời đại mới, ngành y tế không chỉ giữ nguyên những chức năng vốn có của BV, mà phải bổ sung thêm chức năng thứ 7, đó là công tác xã hội. Thậm chí, phải đưa chức năng này thành chức năng chính của BV và được nghiên cứu, xây dựng trong quy chế hoạt động của BV. GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng lý giải, ngày nay, các BV ứng dụng nhiều trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán dẫn đến việc các bác sĩ lạm dụng kỹ thuật, coi nhẹ vấn đề lâm sàng, ít gần gũi bệnh nhân. Chẳng hạn, các bác sĩ giờ đây ít sử dụng đến thao tác đặt ống nghe, bắt mạch cho bệnh nhân. Trong khi đó, chỉ cần một cử chỉ, nắm tay bắt mạch thì bệnh nhân đã cảm thấy sự gần gũi, có niềm tin hơn với người thầy thuốc. Mặt khác, các bác sĩ cần giao tiếp với người nhà bệnh nhân nhiều hơn để giải thích, thông báo cho họ những tình huống có thể xảy ra với bệnh nhân trong quá trình điều trị... Những điều "ngoài chuyên môn" có thể tạo sự thông hiểu giữa hai phía, giúp loại bỏ nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng như từng xảy ra cách đây không lâu, tại Vũ Thư (Thái Bình), khi người nhà bệnh nhân sử dụng chính con dao mà các bác sĩ dùng để gọt hoa quả, đâm chết một vị bác sĩ vì cho rằng người này đã chậm trễ, thiếu quan tâm, khiến người thân của họ tử vong.

Trong lúc người bệnh đang ở ranh giới của sự sống và cái chết thì đối với người nhà của họ, chỉ một biểu hiện nhỏ của sự tắc trách từ phía nhân viên y tế cũng có thể dẫn đến hậu quả vô cùng xấu. Do đó, nhân viên y tế cần đặt mình vào hoàn cảnh của những người đang có thân nhân cấp cứu để hiểu tâm lý của họ và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Tại các BV, để bảo đảm an ninh, vấn đề không đơn giản chỉ là tăng cường lực lượng bảo vệ hay lắp camera để theo dõi tình hình, mà cần thêm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng phục vụ bệnh nhân và người nhà của họ, bao gồm cung cách ứng xử văn minh. Bên cạnh việc bổ sung trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ, các BV phải có một chiến lược tổng thể nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến thái độ thiếu thiện chí giữa người bệnh và nhân viên y tế.

Thu Trang