Sách giáo khoa vào thế cạnh tranh: Nhiều câu hỏi khó
Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 28/09/2014
Chưa có “thiết kế” không nên “thi công”
- Bao nhiêu năm độc quyền làm sách, giờ phải cạnh tranh vì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, ông mừng hay lo, thưa ông?
- Vừa mừng, vừa lo. Thật lòng mà nói, từ khi ở cương vị là Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, tôi vẫn muốn không còn độc quyền SGK. Có lẽ, những người trong cuộc mới hiểu những khó khăn của độc quyền SGK, một loại hàng hóa đặc biệt, không được lựa chọn tác giả, không được tự quyết giá bán và luôn phải chịu lỗ vì làm SGK mục tiêu kinh doanh luôn là thứ yếu, trong khi đó đòi hỏi chất lượng rất cao.
Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái. |
Tôi mừng vì có nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị làm SGK thì sẽ có sự cạnh tranh, các NXB được quyền lựa chọn tác giả, có nhiều hơn một quyển SGK để có sự so sánh trong mỗi môn học sẽ khiến người viết, biên soạn, in ấn phải làm tốt hơn. Có nghĩa là sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng SGK và thầy cô, học sinh có sách tốt để dạy và học. Tuy nhiên, để đến được mục tiêu ấy thì cũng không hề đơn giản, vì SGK có những yêu cầu riêng và có lối đi riêng khi chịu sự tác động của quy luật cạnh tranh. Vì vậy, nếu không chuẩn bị kỹ thì việc xã hội hóa sẽ lợi bất cập hại. Đứng trên cương vị là NXB thì mừng, nhưng đứng trên cương vị là người làm giáo dục tôi vẫn thấy lo nhiều hơn. Trong ngổn ngang những vấn đề của giáo dục nước nhà, tư duy về SGK cũng đang tồn tại những suy nghĩ khác biệt mà nếu như không tỉnh táo, những quyết sách có thể đem đến những hậu quả khôn lường, tiếp tục gây ra sự mất ổn định trong giáo dục, khiến xã hội hoang mang. Đây là điều tối kỵ trong một nền giáo dục bình thường.
- Nhưng “ván đã đóng thuyền”, việc một CT nhiều bộ SGK đã được quyết định. Vấn đề giải quyết những nỗi lo như ông nói như thế nào, từ chuyện xuất bản nhiều SGK cho đến sử dụng nó trong dạy và học, kiểm tra đánh giá, thi cử ra sao. Theo ông, nên bắt đầu từ đâu?
- Từ việc xây dựng một CT chuẩn. CT giống như là bản thiết kế chi tiết một căn nhà, còn viết SGK chỉ là khâu thi công theo thiết kế đó. SGK trước kia có những điểm chưa được như mong muốn có nguyên nhân từ quy trình ngược: viết sách rồi mới làm CT chi tiết, trước đó chỉ có CT khung. Việc thẩm định theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tác giả CT và người viết SGK nhiều khi không thống nhất được với nhau; tổng chủ biên, chủ biên cũng không hình dung một cách đầy đủ CT một môn học.
Lần này, cần đầu tư xây dựng CT thật kỹ, càng chi tiết bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Việc làm CT không tốn kém, vấn đề là cách làm thế nào cho hiệu quả. CT phải được các lực lượng, đặc biệt là giáo viên, các nhà khoa học, các hội khoa học đóng góp ý kiến. Nên gửi CT cho 63 Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên dạy môn nào được đóng góp ý kiến môn học đó, như vậy sẽ có hàng triệu ý kiến góp ý cho CT, chắc chắn sẽ tốt hơn là một nhóm.
- Trước đây cũng có lấy ý kiến của toàn ngành đấy chứ ạ(?)
- Có lấy ý kiến nhưng chỉ là hỏi cho có. Vì khi làm SGK chỉ có CT khung, viết sách xong rồi mới làm CT chi tiết và xây dựng chuẩn. Cho nên các thầy cô có góp ý cũng khó mà sửa chữa, chưa nói đến việc họ biết có đóng góp ý kiến cũng không để làm gì nên nhiều khi chỉ làm cho xong một việc. Bây giờ, nếu chúng ta huy động sự đóng góp trí tuệ của các thầy cô, góp ý vào CT chi tiết và tiếp thu các ý kiến đóng góp đó, tôi nghĩ kết quả của khâu đóng góp ý kiến sẽ khác.
- Nghĩa là, theo ý của ông, Bộ GD-ĐT nên tập trung cho việc xây dựng CT. Thế còn việc tổ chức biên soạn SGK thì sao? Trong dự thảo của Bộ, có một phương án Bộ sẽ chủ động biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách, theo ông Bộ có nên làm việc của NXB?
- Câu hỏi cũng đã bao hàm câu trả lời rồi. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT nên tập trung vào xây dựng CT, đấy mới là cốt lõi của mỗi lần thay SGK. Theo Luật Xuất bản, Bộ cũng không thể tự mình biên soạn sách mà phải thông qua một NXB.
Xã hội hóa SGK không đồng nghĩa làm nhiều bộ SGK
- Viết SGK là một việc không dễ. Chúng ta chưa có đội ngũ viết SGK chuyên nghiệp, hầu hết tác giả đều là nghiệp dư. Thêm yếu tố cạnh tranh, để sản phẩm làm ra bán được, các NXB vẫn mời những tên tuổi cũ, có uy tín, trong khi đó, yêu cầu mới của lần đổi mới này đòi hỏi những tư tưởng mới, những cách làm mới. Liệu NXB Giáo dục Việt Nam có rơi vào tình trạng này không, thưa ông?
- Như tôi đã nói, với gần 60 năm làm nhiệm vụ xuất bản SGK, NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá. Từ khi Bộ GD-ĐT có chủ trương đổi mới CT, SGK chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho việc cạnh tranh, để SGK của NXB Giáo dục phải đạt chất lượng cao, nếu không nói là cao nhất. Đội ngũ tác giả viết sách ngày càng chuyên nghiệp hơn, tiếp cận được những tư tưởng, cách làm SGK mới, nhất là các anh em trẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa có nhiều tác giả có thể biên soạn SGK, nên tôi cho rằng, xã hội hóa công tác biên soạn SGK cũng cần tính đến điều này. Khi số lượng tác giả viết SGK không nhiều và chưa chuyên nghiệp mà xã hội hóa không có kiểm soát thì khó mà có chất lượng.
- Phải chăng, ý của ông là, không nên có nhiều bộ SGK mà chỉ nên giới hạn một số lượng nhất định?
- SGK là sản phẩm văn hóa đặc thù nên tôi cho rằng cần phải tránh khuynh hướng thương mại hóa cách nhìn về SGK và đồng nhất cách xử lý SGK như với các ấn phẩm văn hóa bình thường khác. Trong tình hình hiện nay, phải đổi mới nhưng cũng cần thận trọng, không trì trệ nhưng cũng không nóng vội. Từ một CT - một bộ SGK sang một CT - nhiều bộ SGK tuy đơn giản trong diễn đạt nhưng thật phức tạp trong tư duy và tổ chức thực tiễn. Thực tế đã cho thấy, do việc mở rộng việc biên soạn sách đọc thêm trong nhà trường nên đã xuất hiện những bài toán như một bàn tay có 5 ngón, chặt đi 2 ngón, còn bao nhiều ngón (?!). Trong tình hình như vậy mà ngay một lúc muốn cho ra đời nhiều bộ SGK là việc cần cân nhắc. Theo tôi, cần có lộ trình và giai đoạn hiện nay chỉ nên là một CT - một ít bộ SGK.
- Đã gọi là xã hội hóa, tức là thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức cá nhân tham gia làm sách mà lại còn định ra số lượng được đưa vào sử dụng, như vậy có duy ý chí không. Tôi cho rằng, phải làm tốt khâu thẩm định để lựa chọn những cuốn SGK có chất lượng nhất để đưa vào sử dụng. Số lượng bộ SGK phụ thuộc vào chất lượng của sách gửi đến thẩm định chứ ạ!
- Quan điểm ấy là đúng nhưng chúng ta cũng cần phải thực tế. Trong lần thay sách trước đây, khâu thẩm định cũng có nhiều “vấn đề” mà mới chỉ là một bộ SGK. Nay nhiều người viết sách, nhiều NXB làm sách thì việc thẩm định càng không đơn giản, đặc biệt SGK phải qua một bước thẩm định quan trọng là dạy thí điểm trong trường phổ thông. Đánh giá chất lượng SGK đòi hỏi đánh giá cả quá trình, lẫn đánh giá sản phẩm, theo từng giai đoạn làm sách. Ở khâu biên soạn, để định hướng cho các tác giả viết SGK, thẩm định nghiệm thu để quyết định đưa cuốn, bộ SGK nào vào sử dụng thì phải có công cụ đánh giá, đó chính là các tiêu chí đánh giá.
- Thước đo này phải bảo đảm yêu cầu gì, thưa ông?
- Bộ tiêu chí đánh giá SGK đóng vai trò là công cụ được sử dụng để thẩm định chất lượng một cuốn, một bộ SGK trên các lĩnh vực cơ bản: Nội dung, kiến thức được lựa chọn và phương pháp tiếp cận CT; Các phương pháp tiếp cận nội dung kiến thức hay còn gọi là cách tổ chức quá trình dạy - học; văn bản giáo khoa như văn phong, các quy tắc ngữ pháp, chính tả...; thiết kế, mỹ thuật, kỹ thuật in. Đã là thước đo thì nó phải rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, đầy đủ, dễ sử dụng; có thể dùng cho nhiều loại SGK; lượng hóa bằng điểm số; đáp ứng yêu cầu đổi mới CT và SGK sau năm 2015.
Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK là hết sức cần thiết và cấp thiết. Làm tốt việc này sẽ giúp những nhà quản lý, nhà chuyên môn đánh giá được chất lượng SGK, đồng thời đưa ra những quyết định, quyết sách đúng, kịp thời, nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Từ độc quyền làm sách sang độc quyền sử dụng sách
- Khi đề cập đến việc phải giới hạn số lượng bộ SGK, ông có nói rằng phải tính đến điều kiện thực tế. Ý ông là...
- Điều kiện thực tế tôi muốn đề cập ở đây là kinh phí làm sách lớn mà chúng ta còn nghèo, nếu làm sách tràn lan mà không chất lượng thì sẽ là một sự lãng phí. Làm SGK thì dù độc quyền hay cạnh tranh, mục đích kinh doanh không được đặt lên hàng đầu. Nếu không thì việc lựa chọn, sử dụng SGK sẽ không lành mạnh, thậm chí sẽ xảy ra độc quyền sử dụng và nảy sinh nhiều tiêu cực. Hậu quả là sách hay, sách tốt có khi không được chọn. Nếu như vậy thì mục tiêu nâng cao chất lượng sẽ thất bại.
- Còn nhớ nhiều năm trước, khi chủ trương xóa độc quyền biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT đã dự kiến có 2 phương án về việc lựa chọn SGK. Một là, Sở GD-ĐT; hai là hiệu trưởng các trường sẽ chọn bộ SGK phù hợp để triển khai dạy và học ở địa phương, trường mình. Quan điểm của ông về việc này thế nào ạ?
- Tôi cho rằng, nên để tổ chuyên môn lựa chọn SGK. Vì nếu là Sở GD-ĐT, khi giám đốc cũ hết nhiệm kỳ, giám đốc mới lên thay thì việc lựa chọn có thay đổi không? Hiệu trưởng cũng vậy. Vấn đề chuyên môn nên để những người làm chuyên môn quyết định.
Không phải bây giờ ở nước ta mới sắp có chuyện nhiều bộ SGK song song tồn tại. Đã từng có giai đoạn cả nước có 3 bộ SGK Toán, 2 bộ SGK Ngữ văn. Để tiện cho việc chỉ đạo và trên thực tế đã diễn ra tình trạng miền nào dùng sách của tác giả miền đó. Nay, nhiều bộ SGK thì xu hướng này ắt sẽ xảy ra. Đấy là chưa kể đến những “tác động” của quan hệ, của phí phát hành. Cho nên, chuyện tỉnh nào dùng sách do NXB của tỉnh ấy ấn hành tôi sợ là khó tránh khỏi nếu chúng ta không giới hạn số lượng. Liệu với vai trò quản lý của mình, Bộ có đủ sức giám sát để không xảy ra khuynh hướng cục bộ hóa?
- Trong khâu đưa vào lưu thông, giá cả cũng là một yếu tố người sử dụng cân nhắc. Nhiều người vẫn cho rằng, in SGK với số lượng lớn, thì giá thành SGK còn phải rẻ hơn nữa, trong khi NXB Giáo dục Việt Nam lại cho rằng SGK đang bán thấp hơn giá thành. Đây là một lý do để xóa độc quyền. Hàng hóa khi có cạnh tranh sẽ được nâng cao chất lượng và có giá rẻ hơn sản phẩm độc quyền. Ông có cho rằng, với hàng hóa đặc biệt là SGK, quy luật ấy có còn đúng?
- Hiện nay việc xây dựng giá SGK được thực hiện như sau: Hằng năm, NXB Giáo dục Việt Nam xây dựng giá trên cơ sở các chi phí thực tế theo giá cả thị trường, theo số lượng bản dự kiến phát hành, sau đó trình lên Bộ GD-ĐT, Ban Vật giá Bộ Tài chính để phê duyệt. Ngoài các chi phí cơ bản như giấy, công in, nhuận bút, tiền lương... riêng đối với xuất bản SGK còn phải đầu tư thêm một chi phí rất đáng kể cho công tác thẩm định, góp ý hoàn thiện bản thảo SGK. Dư luận cho rằng giá SGK rẻ so với giá sách nói chung nhưng vẫn còn đắt so với giá thành vì có số lượng xuất bản lớn. Nhưng nếu có nhiều bộ SGK, nhiều NXB cùng làm sách, phải chi phí từ cả việc viết sách, thẩm định, nhuận bút… chứ không chỉ là khâu xuất bản như biên tập, in thì giá SGK chắc chắn sẽ đội lên. Cạnh tranh, thị phần sẽ bị chia cắt, “đầu ra” nhỏ lại. Khi ấy, cơ sở nào để giảm giá thành mà vẫn nâng cao được chất lượng? Bởi vậy, để tránh cho xã hội phải chịu những tác động tiêu cực của xã hội hóa biên soạn SGK tôi cho rằng vẫn cần có lộ trình trong việc triển khai một CT - nhiều bộ SGK.
Trong lộ trình ấy, các cơ quan quản lý tạo ra các điều kiện cần và đủ như xây dựng cơ chế sử dụng nhiều bộ sách như thế nào, là đào tạo bồi dưỡng giáo viên lựa chọn và lựa chọn nhiều bộ SGK ra sao, là làm cho phụ huynh và xã hội tiếp cận và đồng thuận với thực tiễn mới bằng cách nào, là làm cho học sinh yên tâm và tin tưởng vào bộ sách mình sử dụng… Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cần thiết để các bộ sách khác nhau đó đến được với học sinh ở mức giá chấp nhận được.
- Xin cám ơn ông và cũng xin được chia sẻ với ông những điều lo lắng ấy. Đã nhiều năm qua đi, kể từ khi Bộ GD-ĐT bắt đầu có chủ trương một CT, nhiều bộ SGK, xem ra những câu hỏi ông đặt ra vẫn rất khó trả lời.