Tìm giải pháp củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 16:13, 27/09/2014

Sáng 27/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ VIII đã dành toàn bộ thời gian để nghe các tham luận, thảo luận của các đại biểu về các giải pháp nhằm tăng cường, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Toàn cảnh Đại hội. (Ảnh: TH)


Cụ thể, các đại biểu đã nghe các tham luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ủy ban Đoàn kết Kông giáo Việt Nam; Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng…

Các tham luận tập trung vào các nội dung: Thực hiện Chương trình hành động Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VII; Không ngừng củng cố, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đổi mới hoạt động, mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, nâng cao hoạt động đối ngoại; tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc; Xây dựng cộng đồng có tổ chức thống nhất, đoàn kết, phát triển ổn định, hội nhập với nước sở tại, hướng về quê hương, đất nước; Vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ…

Các đại biểu nhận định, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam tiếp tục phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Nội dung và phương thức hoạt động được đổi mới, thể hiện rõ hơn tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đã được triển khai có kết quả bước đầu, được nhân dân ghi nhận.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng rõ hơn về cơ chế và phương thức tổ chức thực hiện. Cùng với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần mở rộng đoàn kết hữu nghị và hợp tác, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đã tạo nên những tiền đề, kinh nghiệm cho công tác Mặt trận trong thời kỳ mới.

Từ các tham luận, các đại biểu đã khẳng định, những kết quả đạt được là nhờ bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công của công tác Mặt trận. Không chỉ các tổ chức, cá nhân trong Mặt trận mà tất cả các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phải thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò của Mặt trận thì mới cùng làm, cùng chịu trách nhiệm và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo, hiệu quả trong công việc. Mọi hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt trận phải lắng nghe, thực sự là người đại diện quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức việc giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả.

Các đại biểu cũng khẳng định, vai trò của Mặt trận được phát huy hay không là nhờ vào sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên và mọi tầng lớp nhân dân. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, Mặt trận phải thực hiện tốt nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động với các thành viên, chủ trì hiệp thương và phân công các thành viên để thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Mặt khác phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chính quyền các cấp để tạo ra cơ chế, chính sách và đảm bảo nguồn lực cho hoạt động của Mặt trận. Định kỳ xây dựng chương trình, kiểm tra đôn đốc và giám sát việc thực hiện công việc của các bên. Cùng với đó không ngừng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận. Mời gọi các lực lượng xã hội đồng lòng, góp sức chăm lo cho công tác Mặt trận. Phát huy vai trò Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư…

Các đại biểu cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu và chương trình hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân bằng cách thực hiện tốt nhiệm vụ "Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc, các tôn giáo tích cực tham gia xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường. Vận động các tầng lớp nhân dân đề cao cảnh giác, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, kích động hòng thực hiện "diễn biến hòa bình”, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội….

Chiều nay, Đại hội họp phiên bế mạc, nghe báo cáo kết quả hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII; Công bố danh sách Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và các chức danh lãnh đạo Mặt trận; ra Lời kêu gọi của Đại hội và thông qua Nghị quyết Đại hội./.

Theo Thu Hà