Quan hệ Nga - Nhật Bản: căng thẳng leo thang

Thế giới - Ngày đăng : 07:28, 27/09/2014

(HNM) - Dù đã được chuẩn bị từ trước nhưng chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra vào mùa thu này bất ngờ bị hủy bỏ. Tuy giới chức Nhật Bản không đề cập tới lý do phải hủy chuyến thăm được trông đợi này,

Sân bay mới của Nga trên đảo Iturup/Etorofu.



Để thể hiện "tiếng nói chung" với phương Tây, Nhật Bản vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga nhằm tỏ rõ quan điểm cứng rắn với Mátxcơva. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, các biện pháp trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm một số ngân hàng của Nga phát hành chứng khoán ở Nhật Bản, tăng cường hoạt động kiểm tra để ngăn chặn vũ khí được vận chuyển tới Nga. Dù vẫn nhẹ hơn so với các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, thế nhưng việc Nhật Bản lần thứ hai liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng hơn.

Ngay lập tức Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ thất vọng trước các biện pháp trừng phạt mới của Nhật Bản nhằm vào Mátxcơva khi coi đây là một "bước đi thiếu thiện chí". Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định, "bước đi thiếu thiện chí" trên của Tokyo là bằng chứng tiếp theo cho thấy sự bất lực của Nhật Bản trong việc xây dựng một đường lối đối ngoại độc lập. Không những thế, quyết định của Nhật Bản còn cho thấy sự mâu thuẫn trong bối cảnh Nhóm tiếp xúc về Ukraine - tại các cuộc gặp ngày 5 và 19-9 vừa qua - đã đạt được những thỏa thuận về bảo đảm lệnh ngừng bắn ở miền Đông - Nam Ukraine. Cơ quan ngoại giao Nga cho rằng, với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Mátxcơva do chịu ảnh hưởng của nước ngoài, Nhật Bản đã tự gây thiệt hại trước hết cho quan điểm địa - chính trị của chính mình và gửi một tín hiệu sai lệch tới cộng đồng doanh nghiệp. Khẳng định lập trường của Mátxcơva không thay đổi, Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương không chính đáng này chưa bao giờ đạt được mục đích và chỉ khiến gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế.

Giữa lúc quan hệ Nga - Nhật Bản leo thang căng thẳng xung quanh lệnh trừng phạt bổ sung trên, Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov lại thực hiện chuyến thăm Iturup - một hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Nam Kuril mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc - để thị sát một sân bay mới được khai trương tại đây. Đảo Iturup (Nhật Bản gọi là Etorofu) là một trong 4 hòn đảo mà Liên bang Xô Viết trước đây chiếm đóng sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh thế giới II. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng chuyến thăm đảo Etorofu của ông Ivanov khiến người dân Nhật Bản thất vọng.

Đây không phải lần đầu tiên quan hệ Nga - Nhật Bản căng thẳng xung quanh chủ quyền quần đảo tranh chấp. Từ khi trở lại cầm quyền tháng 12-2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Tổng thống V.Putin 5 lần. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến trong các cuộc gặp này là cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo do Nga kiểm soát gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tranh cãi về chủ quyền đối với 4 hòn đảo này đã ngăn cản Tokyo và Mátxcơva ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới II, phủ bóng đen lên quan hệ giữa Nhật Bản và Nga nhiều năm qua.

Một lần nữa quan hệ Nga - Nhật Bản lại đứng trước những thử thách mới. Nhật Bản sẽ "điều phối" quan hệ với Nga như thế nào để không làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế đôi bên mà vẫn không làm "mất lòng" đồng minh Mỹ là bài toán không dễ với chính phủ của Thủ tướng S.Abe. Vì thế, Tokyo đang đề xuất tổ chức cuộc hội đàm cấp cao bên lề Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 11 tới. Nhật Bản cũng để ngỏ khả năng thu xếp một chuyến thăm khác của Tổng thống V.Putin vào mùa xuân tới để giải quyết những bất đồng còn tồn tại cũng như cải thiện quan hệ hai nước.

Đình Hiệp