Đổi mới từ chủ thể con người (Tiếp theo và hết)
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 27/09/2014
Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn tốc độ đô thị hóa diễn ra rất mạnh, tâm lý người dân cũng vì thế có nhiều xáo trộn. Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo chuyển biến lớn trong đời sống dân cư nông thôn, việc cần nhất là làm sao để NTM đi vào thực chất, giữ được "lửa" phong trào xây dựng kiến thiết quê hương. Vì vậy, việc xây dựng con người mới, đáp ứng yêu cầu của NTM cần được thành phố quan tâm ngang tầm với việc xây dựng hạ tầng; đặc biệt là bồi dưỡng con người mới, đời sống văn hóa mới từ những kinh nghiệm ở các địa phương thực hiện tốt.
Thực tế cho thấy, vai trò của chính quyền địa phương là đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa và con người mới ở địa phương. Ở nơi nào chính quyền tích cực vận động, gương mẫu đi đầu và có nhiều hình thức tập hợp nhân dân thì nơi ấy người dân tích cực vào cuộc. Chủ tịch UBND xã Tản Hồng, huyện Ba Vì Phương Văn Liểu cho biết, cái được lớn nhất trong xây dựng NTM trên địa bàn xã là sự chuyển biến về ý thức của cán bộ và nhân dân về NTM. Bây giờ ở Tản Hồng, nghĩa trang nhân dân đã được quy hoạch xây dựng khang trang. Những ngôi mộ trước đây mạnh nhà nào nhà ấy xây, đủ các hướng, các mẫu nay được xây dựng theo mẫu thống nhất, theo hàng lối và giao cho các gia đình có nhu cầu. Mô hình này vừa tiết kiệm kinh phí, vừa tiết kiệm được đất, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhân dân cũng rất đồng tình ủng hộ việc thực hiện chôn cất người quá cố theo phương pháp hợp vệ sinh, đại đa số các trường hợp tử vong được đưa đi hỏa táng. "Nói thì đơn giản vậy nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi nhận thấy nếu chính quyền không gương mẫu đi đầu trong mọi việc thì không thể làm được" - ông Phương Văn Liểu cho biết.
Trở lại với xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, dù không phải là xã điểm xây dựng NTM nhưng lại là xã đi đầu, đạt được nhiều kết quả của huyện. Chỉ gần 4 năm xây dựng NTM đã tạo nên một bước chuyển mạnh cho địa phương với 14 tiêu chí đạt, 5 tiêu chí cơ bản đạt. Chủ tịch UBND xã Nam Triều Phan Cao Lạc chia sẻ kinh nghiệm: Muốn kéo được người dân vào cuộc thì chính quyền phải gương mẫu đi đầu để người dân tin tưởng và làm theo. Trước đây đám cưới ở Nam Triều rất to, đám tang lạc hậu, rườm rà, tốn kém. Người dân cũng muốn thay đổi theo hướng đơn giản nhưng tâm lý còn e ngại. Chính vì vậy, khi mới triển khai nghị quyết của Đảng ủy xã về "xây dựng việc cưới, việc tang văn minh", xã gặp nhiều khó khăn nhưng địa phương vẫn quyết liệt triển khai theo hướng: Cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước. Thấy đúng và hợp lý nên người dân làm theo. Không chỉ gương mẫu, việc tuyên truyền vận động nhân dân phải được làm mọi lúc, mọi nơi mới từng bước ăn sâu vào ý thức người dân. Đơn cử như dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, theo truyền thống, các xóm trong thôn đều tổ chức ăn cơm đoàn kết; lồng vào đó, người dân trong xóm sẽ bàn bạc về việc của xóm, của làng. Xóm Đông Phong, nơi có tới 200 nóc nhà đã đưa ra quy ước: Dù có đi ăn tiệc, vui đến mấy cũng không ai được say rượu, nói tục, làm trái với quy ước xây dựng NTM đã được xã, huyện thông qua. Hiện nay, việc cưới, việc tang ở Nam Triều đã đi vào nền nếp.
Còn nhiều việc phải làm
Là thành viên BCĐ Chương trình 02 của thành phố, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Lê Thị Tân Trang nhận định: Ở các vùng nông thôn Hà Nội, nhiều truyền thống văn hóa đẹp có nguy cơ mai một trong quá trình đô thị hóa… Thực hiện phong trào xây dựng NTM thực sự là thời cơ để đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Bộ tiêu chí quốc gia về NTM có tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16 về văn hóa đã được định tính, định lượng cụ thể. Điều đó cho thấy muốn có xã đạt chuẩn NTM thì phải đạt chuẩn về thiết chế văn hóa, thôn làng văn hóa. Hiện Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn… trong đó xây dựng con người mới có tính chất quyết định. Việc xây dựng con người mới cần tập trung vào nâng cao ý thức của người dân trong quá trình tham gia sản xuất, tạo nếp làm việc hiện đại, vì lợi ích cộng đồng. Đây cũng là việc quan trọng cần làm ở các địa phương. Tại các xã xây dựng NTM, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, việc xây dựng văn hóa, con người mới ở nông thôn rất cần được bổ sung, hoàn thiện những thiết chế văn hóa… Nhưng quan trọng hơn là phát huy những nền tảng văn hóa của cha ông để lại, hạn chế cái xấu, hủ tục lạc hậu; phát huy cái đẹp trong lối sống, con người, tình làng nghĩa xóm… Và đặc biệt là xây dựng những giá trị văn hóa nông thôn hiện đại.
Việc một số địa phương đã duy trì và phát triển các mô hình văn hóa như các câu lạc bộ, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần người dân… chính là sự kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam. Hiện, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, cơ quan thường trực của BCĐ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương làm tốt công tác hướng dẫn, bình xét để công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", "Đơn vị văn hóa", "Khu dân cư văn hóa"…