Không chỉ là chuyện ”sai thì sửa”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:57, 27/09/2014
Thế nhưng, chỉ ngay sau ngày thông xe, thêm một cái nhất nữa cũng được nhắc đến, đó là lún, nứt nhanh nhất! Những vết nứt dài trên mặt con đường đẹp đã buộc dư luận phải đặt những dấu hỏi hoài nghi về chất lượng của con đường.
Khi các báo đồng loạt phản ánh, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng ngay lập tức có những phản hồi cho rằng không phải lỗi chủ quan vì quy trình thiết kế, giám sát, khoan thăm dò địa chất, các giải pháp thi công đều "rất nghiêm ngặt", "công trình được làm chất lượng, là công trình tốt"; việc nứt, lún là có "tiên liệu trước" nhưng nó đã "xảy ra nhanh quá", và nguyên nhân chỉ có thể là… do mưa lớn!
Một lời biện bạch tức thì, cũng nhanh như việc xảy ra lún, nứt. Chỉ tiếc là sự phản ứng "nhanh nhạy" ấy không trấn an được dư luận mà ngược lại nó còn làm tăng thêm những nghi ngờ, những câu hỏi về trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình của các đơn vị liên quan. Phải chăng cái điều "tiên liệu trước" của VEC chính là tình trạng lún, nứt vốn đã thành quen ở nhiều công trình giao thông được thi công gần đây nên có thêm một con đường lún, nứt cũng là "chuyện bình thường"? Vì sao đã "tiên lượng trước" mà VEC không có những giải pháp xử lý sớm mà phải để sau khi sự cố rồi mới huy động lực lượng "khoan, đục" tìm nguyên nhân? Phải chăng công trình thi công đã không bảo đảm đúng chất lượng? Hay vì lợi ích của chủ đầu tư mà họ đã sớm "đẩy tiến độ" để đưa vào khai thác sớm?
Có thể chỉ vài ngày nữa, chủ đầu tư sẽ đưa ra những kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự việc. Nhưng cho dù nó xuất phát từ lý do nào chăng nữa thì việc một công trình được đầu tư quy mô, mang tính mẫu mực và có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn như vậy mà xảy ra một lỗi chất lượng ngay khi vừa đưa vào khai thác đã để lại những khoảng trống lớn trong niềm tin của người dân, những "chủ đầu tư gián tiếp" vào công trình bằng tiền thuế của mình. Như đã nói, đây không phải là công trình đầu tiên xảy ra tình trạng này. Trước đây, những sự việc như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau 5 tháng đưa vào sử dụng đã lún như… ruộng bậc thang Tây Bắc (!) hay tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sau khi hoàn thành 4 tháng đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu; dự án Đại lộ Đông-Tây (TP Hồ Chí Minh) sau hai tháng khai thác đã lún vệt bánh xe… khiến cho dư luận bức xúc, giờ thêm "sự cố" này thì không thể mong dân "thông cảm" bằng những lý do ầu ơ, né tránh.
Dù thế nào chăng nữa, cần thấy rằng một con đường kém chất lượng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có thể gây tốn kém cho xã hội về nhiều mặt (chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, ảnh hưởng hoạt động vận tải…), mất lòng tin từ các đối tác đầu tư nước ngoài, mà cao hơn cả chính là sự phai mòn niềm tin trong nhân dân. Không chỉ là chuyện "sai thì sửa" mà còn là trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân. Thời gian qua tại nhiều công trình, chính Bộ trưởng GTVT đã từng nhiều lần "trảm tướng" vì những sai sót hoặc chậm trễ tiến độ. Nhưng xem ra những lệnh "trảm" ấy của vị tư lệnh ngành chưa đủ để bịt được những lỗ hổng trách nhiệm nên những "sự cố đáng tiếc" vẫn xảy ra. Chủ đầu tư cũng như ngành giao thông cần có một thái độ nghiêm túc trong thừa nhận sai sót. Lúc này, trách nhiệm của ngành không chỉ là hàn các vết nứt trên đường mà còn cả trách nhiệm hàn gắn những rạn nứt trong niềm tin của người dân…