Đồng hành với sự nghiệp phát triển Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 27/09/2014

(HNM) - Ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước - NHNN),...



Khi mới ra đời, ngành ngân hàng có nhiệm vụ chính là phát hành giấy bạc, quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch. Giai đoạn sau năm 1954, cùng với Ngân hàng Quốc gia, ngành ngân hàng Hà Nội tiến hành thu hồi tiền địch ở vùng mới giải phóng, thiết lập thị trường tiền tệ thống nhất trên miền Bắc, mạng lưới ngân hàng mở rộng tới các quận, huyện. Thời kỳ 1965 - 1975, ngành mở rộng các quan hệ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt, quản lý quỹ ngân sách nhà nước, giúp các xí nghiệp sơ tán và phân tán sản xuất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể; tích cực khai thác các nguồn ngoại tệ cho Nhà nước, bảo đảm thanh toán quốc tế thông suốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống.

Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ này đạt bình quân 85,5% tổng mức chu chuyển tiền tệ qua quỹ ngân hàng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với ngành ngân hàng cả nước, hệ thống ngân hàng của Hà Nội cũng đổi mới và phát triển, hoàn thiện về mô hình tổ chức, thể chế pháp lý, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. NHNN Chi nhánh Hà Nội điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tích cực đổi mới, hoàn thiện cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, phát triển nghiệp vụ ngân hàng trung ương; đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, giám sát; tăng cường hiện đại hóa công nghệ, phát triển dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mạng lưới, loại hình sở hữu, công nghệ, dịch vụ, ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh Hà Nội, hiện có hơn 400 chi nhánh của tổ chức tín dụng (TCTD) được đặt trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD liên tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 8-2014, tổng nguồn vốn huy động đạt gần 1.117 nghìn tỷ đồng, tăng 6,75% so với cuối năm 2013; trong đó, nguồn vốn huy động dài hạn trên 12 tháng chiếm 30,5%. Ngành cũng đóng góp lớn vào dư nợ cho vay của toàn hệ thống, với tổng dư nợ tín dụng đạt 917.880 tỷ đồng. TCTD chú trọng đẩy mạnh cho vay đối với DN, tăng cường, mở rộng cho vay bán lẻ, cho vay nhà ở, cho vay hộ sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng, tập trung dành vốn tín dụng cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng hành với DN sau cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành tham mưu cho UBND thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN và ký kết các hợp đồng tài trợ, cấp tín dụng. Hiện đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng đăng ký tham gia, với hạn mức cam kết 17.870 tỷ đồng, trong đó, điều chỉnh lãi suất ký kết 3.563 tỷ đồng, đã giải ngân 3.023 tỷ đồng; cấp tín dụng mới ký kết 8.796 tỷ đồng, đã giải ngân 2.612 tỷ đồng. Ngành đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bảo đảm an toàn, hiệu quả, xử lý nợ xấu; tham gia cùng các quận huyện, sở ngành liên quan, hiệp hội ngành nghề khảo sát để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc giữa DN và ngân hàng; chỉ đạo các TCTD thực hiện đồng bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong quan hệ vay vốn, lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cơ cấu lại nợ; thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, tìm mọi cách tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất huy động, cũng như cho vay. Các TCTD chú trọng trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, dự trữ vốn khả dụng tốt, bảo đảm an toàn hệ thống, tập trung lành mạnh hóa tài chính, bảo đảm thanh khoản và khả năng chi trả.

Là trụ cột của nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ luôn sát cánh cùng DN. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra nhiều dịch vụ, sản phẩm phù hợp để tất cả người dân đều có thể tiếp cận. Đó là khẳng định của lãnh đạo NHNN Chi nhánh Hà Nội.

Đức Anh