Mỹ thuật đa phương tiện - nghề của tương lai?
Văn hóa - Ngày đăng : 09:07, 09/08/2004
Các hiệu ứng đồ họa như trong chương trình "Hành trình văn hóa" này đều do các công ty bên ngoài đài truyền hình thực hiện
Nhưng nhà đài không tự sản xuất được chương trình này mà phải có bàn tay của một công ty làm kỹ xảo bên ngoài: Công ty ICOM. Những công ty như ICOM ở VN không nhiều, nếu chỉ tính ở Hà Nội thì lại càng ít ỏi, chỉ vừa số ngón trong một bàn tay.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Mỹ thuật đa phương tiện (multimedia) có rất nhiều ứng dụng trong đời sống, từ thiết kế mẫu mã sản phẩm, phát triển web tới xây dựng phim hoạt hình, phát triển trò chơi, sản xuất hậu kỳ cho điện ảnh, tới truyền thông đa phương tiện tương tác và hiện thực ảo. Tuy nhiên, tại VN, việc đào tạo tin học trong hệ thống các trường đại học hiện nay mang tính lý thuyết cao.
Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều bị hạn chế về kỹ năng thực hành và kiến thức công nghệ mới. Sau khi ra trường nhiều sinh viên cũng đã tìm đến các trung tâm đào tạo multimedia, nhưng phần lớn mới chỉ đào tạo về mặt sử dụng công cụ như Photoshop, CorelDraw... nên việc sử dụng công nghệ này mới chỉ dừng ở những ứng dụng cơ bản như in ấn và thiết kế quảng cáo.
Anh Hoàng Long, trưởng phòng thiết kế web của Công ty FPT truyền thông, cho biết: “Mới đây có công ty tuyển năm lập trình viên, nhưng tuyển đến mấy tuần liền, hàng trăm ứng viên nộp hồ sơ mà chỉ được một người. Đa số sinh viên mới ra trường trình độ về multimedia cơ bản đều không đủ để làm việc”.
Trong khi đó, theo anh Nguyễn Hoàng Nam, trưởng phòng thiết kế Công ty phần mềm Bạch Minh, để thu hút khách hàng dùng phần mềm web, trước hết phải có chương trình thiết kế thật hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Phan Quang Bình, giám đốc ICOM, cho biết: hiện công ty đang thực hiện cùng lúc năm chương trình cho các đài truyền hình: Đuổi hình bắt chữ (HTV Hà Nội), MTV, Trò chơi âm nhạc, Hãy chọn giá đúng (VTV3), Nốt nhạc vui (HTV TP.HCM) với tỉ lệ sử dụng kỹ xảo khác nhau nhưng “100% các lập trình viên và họa sĩ đồ họa của công ty khi mới vào đều phải đào tạo lại mới thực hiện được những kỹ thuật cơ bản này.
Kỹ sư tin học thì chẳng có tí khái niệm gì về mỹ thuật, còn các họa sĩ đồ họa thì rất kém về kỹ thuật vi tính và tiếng Anh. Hình thức đào tạo của ICOM cũng còn khá “du kích”: thỉnh thoảng có một lớp học do Audio Vision của sứ quán Pháp mở thì liên hệ cho nhân viên học miễn phí, còn lại thì giám đốc tự khăn gói sang Singapore học nghề rồi về truyền lại cho nhân viên”.
Một số phim truyện gần đây cũng đã có sử dụng kỹ xảo 3D để tăng hiệu quả, nhưng hiệu quả chưa thấy đâu chỉ thấy tăng giá thành phim vì tất cả đều phải làm ở nước ngoài (Hà Nội 12 ngày đêm ở Úc; Ký ức Điện Biên ở Thái Lan). Đoàn điện ảnh VN vừa có mặt ở Hollywood một tháng để học làm phim về cũng đều... lè lưỡi: làm phim với công nghệ ở Mỹ thì không thể kham nổi: 1 triệu USD/phút.
Cá biệt, chỉ có bộ phim truyện truyền hình nhiều tập của VTV Những giấc mơ dài là mạnh dạn đưa kỹ xảo vào tạo hiệu quả mạnh và đã bước đầu gây chú ý, nhưng đó cũng mới chỉ là thử nghiệm trên cơ sở trợ giúp gần như biếu không của ICOM để “lấy chỗ đi lại”.
Giá cả mà các khách hàng có thể chấp nhận được lại thường chỉ ở mức 2 -5 triệu đồng/phút nên các nhà sản xuất cũng không mặn mà. Vì vậy, các ứng dụng 3D được biết đến rộng rãi vẫn chủ yếu qua các quảng cáo, mà trong đó các công ty VN làm multimedia chiếm được rất ít khách hàng (ICOM ngoài Hà Nội hay Dolphin ở TP.HCM chỉ là một trong số ít ỏi thành công), độc chiếm thị trường mênh mông này vẫn là các công ty nước ngoài thuê VN làm gia công.
Hướng đi nào để phát triển?
Theo dự báo của các công ty tin học trong nước, với tốc độ đào tạo chuyên gia mỹ thuật đa phương tiện có chất lượng quốc tế như hiện nay thì đến năm 2006 VN sẽ thiếu khoảng 17.000 người so với nhu cầu của nền kinh tế, nhất là sự bùng phát của công nghệ giải trí. Một nghề mới thật hấp dẫn nhưng cũng không chút dễ dàng.
Cho đến nay, VN chỉ có một địa chỉ đào tạo chuyên ngành này một cách bài bản, đó là Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena tại Hà Nội và TP.HCM. Học viên tham gia chương trình Arena (chia làm bốn học kỳ trong hai năm) sẽ được cung cấp những kiến thức bao quát tất cả các khía cạnh của multimedia như cách thiết kế đồ họa cho báo chí, làm quảng cáo, hoạt hình, dựng phim 3D, xử lý audio và video trong truyền hình, thiết kế website, game, đồ họa vi tính...
Sau khi tốt nghiệp được cấp văn bằng Diploma in Multimedia (950 USD/2 học kỳ), Advance Diploma in Multimedia (980 USD). Khi kết thúc khóa học, sinh viên có thể học tiếp ba học kỳ để lấy bằng cử nhân mỹ thuật đa phương tiện theo chương trình đào tạo liên thông với Đại học Southern Cross (Úc) và các trường đại học Anh, Mỹ, Canada.
Tuy nhiên, sinh viên theo học chương trình này cần có trình độ đọc hiểu tiếng Anh tương đương bằng B và có tư duy về mỹ thuật.
Theo TT