Trần Thế Tuyển với “Phía sau mặt trời”

Sách - Ngày đăng : 07:11, 25/09/2014

(HNM) - Trường ca “Phía sau mặt trời” được viết mấy năm nay, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, đề tài xuyên suốt tác phẩm, đã lùi xa bốn mươi năm. Ngần ấy thời gian đủ để tác giả có sự chiêm nghiệm cần thiết khi tiếp cận với hiện thực.



Chính trăn trở ấy tạo cho tập thơ có sức nặng: “Chiều hoàng hôn như máu/ Dòng sông mênh mang dốc ngược/ Cha ẵm ngửa tắm cho tôi/ Sông ít lời/ Cha và tôi trở về thời hoang dại”.

Trần Thế Tuyển đưa người đọc về với những cánh rừng già, với những ký ức thời tuổi trẻ, với những năm tháng khổ cực không thể tả xiết, nhưng vẫn có tình yêu đôi lứa trong sáng. Đó chính là sức sống của những người tham gia cuộc chiến đấu. Chỉ mấy khổ thơ đầu, người đọc đã được thấy nhiều chi tiết, nhiều chân dung, nhiều tâm trạng rất thơ: “Khói bom chưa tan chim én bay về/ …Đã lặn trong ta lời thề/ Đêm trăng ấy bạn ta về cõi Phật/ Để mắt ta mang màu của đất”.

Tác giả đã lục tung “rừng” ký ức để tìm về những kỷ niệm, có vui, có buồn và sự mất mát không tính nổi. Chiến tranh là sự hủy diệt không thương tiếc, là sự tổn thất không gì bù nổi. Chính vì thế, “Phía sau mặt trời” là lời nhắn gửi đến tình yêu hòa bình. Yêu hòa bình, yêu cuộc sống hôm nay một cách bền vững, chính là đừng quên quá khứ. Trữ tình ngoại đề của thơ là thế. Vậy cho nên đồng cảm với nhà thơ cần phải có tấm lòng và trình độ thưởng thức nhất định.

“Hạt mưa buồn rả rích ném vào đêm/ Để sớm mai như giấc mộng thần tiên/ Tôi bắt được trên nhà cá rô đầm Sét”. Chi tiết địa danh được tác giả hô gọi vào thơ, khiến cho tập thơ này ít viết bằng khái niệm với những lời sáo ngữ. Trần Thế Tuyển có một sự đột phá trong cấu trúc, trong phát huy tính trữ tình của thơ ca hiện đại. Nhiều câu hay, đoạn ấn tượng: “Cô tôi ngồi đồng, khăn choàng kín mặt/ Đời không đủ áo lành để mặc/ Không đủ hạt gạo cõng lưng khoai/ Mà nói giọng của ngài/ Phát ban những điều tốt đẹp”. Có sự trào phúng trong lời thơ của tác giả trước hiện tượng dị đoan trong xã hội hiện đại. Vâng, giải thích hiện tượng hầu đồng, tướng số phải có công trình nghiên cứu, nhưng với nhà thơ là sự phản ánh, dự báo với chức năng của văn nghệ. Những câu thơ của Trần Thế Tuyển đưa người đọc trở về với nền văn hóa dân gian vùng Nam Định, quê gốc của anh. Và cả những nơi anh từng đặt ba lô dừng chân:
“Những làng Mô, làng Móng, Yên Quang…/ Tiếng mõ trâu rải trên đường tắt nắng”.

Và: “Em im lặng/ Bàn chân chết đứng/ Tay run run trao kỷ vật cho tôi”.

Trần Thế Tuyển có nhiều đoạn thơ hay viết về bưng biền, về những cánh đồng miền Tây Nam bộ, nơi anh sống và chiến đấu, được sự đùm bọc che chở của nhân dân.

Những năm gần đây, trên văn đàn nước ta xuất hiện không ít những lệch lạc trong sáng tác văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Trong hoàn cảnh đó, “Phía sau mặt trời” đã góp phần vào tiếng nói nghệ thuật khẳng định con đường ta đã đi qua. Ở đây, chiến tranh hiện lên đầy máu và nước mắt nhưng không bi lụy. Không phải ngẫu nhiên mà trong trường ca này, hai lần Trần Thế Tuyển lặp lại câu hỏi: “Con về còn em con đâu?”. Đây là nỗi đau của chính tác giả và nỗi đau riêng ấy hòa vào nỗi đau chung tạo nên giá trị đích thực của tác phẩm.

Thơ viết về chiến tranh, xen lẫn cuộc sống hòa bình. Đây là tập thơ ấn tượng nhất, tác phẩm “đinh” của Trần Thế Tuyển. Có thể nói trường ca “Phía sau mặt trời” là một trong những tác phẩm nổi trội trong làng văn ở TP Hồ Chí Minh thời điểm hiện nay.

Nguyễn Quốc Trung