Chuyến đi của sự gắn kết, sẻ chia và hợp tác

Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 25/09/2014

(HNM) -

Điều đó càng thể hiện rõ hơn thông qua chuyến thăm, làm việc tại 8 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ (từ ngày 15 đến 23-9) của đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dẫn đầu. Một vùng đất mến khách, nhiều thế mạnh và có nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Hà Nội… là cảm nhận của các thành viên đoàn công tác.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trò chuyện với công nhân đang làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh: Lê Hương



Giao lưu tình cảm, tăng cường hiểu biết

Chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam VN 1201 từ Hà Nội hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ vào buổi sáng đầu tuần mát mẻ sau những cơn mưa lớn. Nhìn từ máy bay, dòng sông Tiền và sông Hậu mênh mang nước, bao đời cần mẫn chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long dần hiện rõ. Hành trình của đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội bắt đầu từ Vĩnh Long, qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đến đất mũi Cà Mau và cuối cùng kết thúc tại TP Cần Thơ - nơi có sân bay nối liền miền Tây Nam bộ với Thủ đô. Thăm, làm việc với 8 tỉnh, thành phố chỉ trong 8 ngày, một lịch trình không thể kín hơn, nhưng kết quả thu được lại rất lớn.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang).



Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, lần này đoàn công tác của thành phố đến với các tỉnh cực Nam của Tổ quốc, với đất mũi Cà Mau - một địa danh hết sức thiêng liêng đối với Tổ quốc, bên cạnh nhu cầu giao lưu tình cảm, còn một mục đích nữa là tăng cường hiểu biết về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của từng địa phương. Trong các buổi làm việc song phương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng quản lý quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như công tác quản lý di tích lịch sử, văn hóa… Những kết quả của Hà Nội trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao giá trị canh tác, nhất là mô hình trồng phật thủ, cam Canh, bưởi Diễn, hoa ly doanh thu đạt 1-3 tỷ đồng/ha/năm được các tỉnh, thành phố đánh giá rất cao. Các địa phương đã đề nghị Hà Nội giúp đỡ ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chia sẻ kinh nghiệm quản lý trên các lĩnh vực. Ngược lại, những thành tựu trong việc khai thác, phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái của các tỉnh, thành phố cũng gợi mở cho Hà Nội những ý tưởng để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp Thủ đô tiên tiến, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Ngoài chương trình trao đổi, cũng trong chuyến đi này, đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội đã tham quan các di tích lịch sử, nhà máy, doanh nghiệp và dự lễ bàn giao 20 nhà đại đoàn kết cho 20 hộ nghèo ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây là 20 trong 100 nhà đại đoàn kết mà TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí (5 tỷ đồng) cho TP Cần Thơ xây dựng, nhằm góp phần giảm bớt khó khăn của các hộ nghèo. Trong niềm vui tại ngôi nhà mới, ấm áp tình nghĩa của nhân dân Thủ đô, ông Lương Ngọc Đủ, hộ nghèo ở ấp Trường Thọ 1 xúc động nói: "Gia đình chúng tôi không biết nói gì để cảm ơn sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Nhờ sự hỗ trợ của TP Hà Nội mà gia đình tôi được ở trong ngôi nhà mới khang trang".

Thông qua chuyến đi này, các thành viên trong đoàn cũng thêm hiểu về văn hóa, lịch sử, truyền thống của vùng Tây Nam bộ, càng thêm yêu Tổ quốc và cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội đối với cả nước. "Đây là một chuyến đi ý nghĩa và bổ ích. Các địa phương đã dành cho đoàn, dành cho Thủ đô những tình cảm rất thân thương, trân trọng. Từ đó, ngày càng gắn kết tình cảm giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Nam bộ" - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định.

Cơ hội hợp tác, phát triển

Xuyên suốt trong chuyến công tác này, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố đều chú trọng việc trao đổi thông tin, kết nối để xây dựng những mối quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả. Đặc điểm chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đất đai màu mỡ cùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu quanh năm ôn hòa, con người cần cù lao động. Do đó, thế mạnh của cả vùng đã được tập trung khai thác với 3 lĩnh vực chính là trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy, hải sản. Với năng suất lúa đạt 8-10 tấn/ha/năm, vùng đất này đã trở thành vựa lúa xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Về thủy sản, cá tra và tôm là ưu thế của vùng, đóng góp chủ yếu cho ngành xuất khẩu thủy sản cả nước, trong đó riêng doanh thu xuất khẩu tôm năm 2014 ước đạt trên 5 tỷ USD. Dẫn đầu cả vùng về diện tích nuôi tôm là Cà Mau (266.000ha) với 40 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu 208.000 tấn/năm, mang lại kim ngạch hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Ngoài phương pháp nuôi truyền thống, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện những mô hình nuôi lớn. Điển hình là tại Bạc Liêu, Tập đoàn Việt Úc đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong nuôi tôm sinh sản, dự kiến đến năm 2015 cung cấp cho thị trường 40 tỷ con tôm giống, tương đương với 40% nhu cầu tôm giống cả nước, giảm dần sự lệ thuộc nguồn giống từ nước ngoài và từng bước nâng cao chất lượng, uy tín của con tôm Việt Nam trên bản đồ thị trường thế giới. Ngoài ra, tại đây đã xuất hiện mô hình mới, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên, với quy mô 10ha mặt nước cho năng suất lên tới 150-200 tấn/ha/năm.

Tuy nhiên, nếu như lúa gạo và thủy sản của vùng đã đến được với nhiều quốc gia trên thế giới thì cây ăn trái của Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tiêu thụ nội địa, lợi nhuận chưa cao, cũng chưa chiếm lĩnh được thị trường Hà Nội và phía Bắc. Một trong những điểm nghẽn khiến các tỉnh chưa khai thác lợi thế chính là hệ thống giao thông bởi không có cảng nước sâu, hàng hóa xuất khẩu, cây ăn trái phải chuyên chở lên TP Hồ Chí Minh, chi phí rất cao. Đây là lý do các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào khu vực này.

Trên cơ sở phân tích thế mạnh, điểm nghẽn, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã bàn giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác trên lĩnh vực thương mại, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm, làm sao để đưa sản vật của các tỉnh miền Tây về thị trường Hà Nội hoặc thông qua các doanh nghiệp Hà Nội để quảng bá, giới thiệu đến thị trường thế giới và khu vực phía Bắc. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng đã đề xuất với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh cung cấp lượng gạo cho doanh nghiệp này để xuất khẩu sang thị trường Châu Phi. Tổng Công ty cũng sẽ nghiên cứu xây dựng đại lý, tìm cách đưa trái cây miền Tây ra Thủ đô, từng bước giảm lượng trái cây nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường phía Bắc. Thế mạnh về du lịch sinh thái, miệt vườn, các giá trị văn hóa, đờn ca tài tử… cũng gợi mở cho Tổng Công ty Du lịch Hà Nội nhiều hướng đầu tư mới. Sau chuyến đi này, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết sẽ nghiên cứu tiếp tục tăng tour - tuyến, tăng cường quảng bá, giới thiệu để ngày càng có nhiều du khách Thủ đô và quốc tế đến với Tây Nam bộ.

Tại các buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố cũng đã tập trung bàn sâu cơ chế, chính sách phối hợp để từng bước giúp nhau khai thác thế mạnh của mình; thống nhất giao ngành chức năng các địa phương sớm cụ thể hóa nội dung liên kết, hợp tác, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Thủ đô nói riêng, các tỉnh, thành nói chung vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhận rõ thế mạnh tương đối giống nhau của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã gợi mở các tỉnh, thành phố cần xây dựng chương trình phát triển kinh tế tổng thể, triển khai một cách bài bản, có hệ thống để tạo sức bật cho cả vùng, thay vì chỉ chú ý đến khai thác thế mạnh của từng địa phương. Về phần mình, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Nội dung liên kết, hợp tác phải hết sức thiết thực, hiệu quả, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương. Trước mắt, lĩnh vực nào có thể hợp tác với các địa phương thì xúc tiến ngay. Lĩnh vực nào có tiềm năng thì tiếp tục nghiên cứu để liên kết, hợp tác. Điều gì có lợi cho các tỉnh, TP Hà Nội sẽ cố gắng làm hết sức, làm tốt để tham gia góp phần vào sự phát triển chung của các địa phương và đất nước".

Kết thúc một chuyến đi đầy ý nghĩa, ấn tượng sâu sắc đối với mỗi thành viên của đoàn Hà Nội là tính cách chân chất, phóng khoáng, dung dị mà đằm sâu của người miền Tây, với những nụ cười và cái bắt tay thật chặt, câu vọng cổ ngân nga say đắm lòng người. Và đặc biệt là có đi xa mới thấy, trong lòng đồng bào miền Nam luôn hướng về Thủ đô và cũng như trong lòng Thủ đô luôn luôn có đồng bào miền Nam, đồng bào cả nước.

Lê Hương