Cơ hội luôn đi cùng thách thức
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 25/09/2014
Thị trường đầy tiềm năng
Đến nay, EU vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu đối với DN và hàng Việt, với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2013 đạt gần 34 tỷ USD; trong đó Việt Nam đóng vai trò xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương, chiếm gần 2/3 giá trị trên. Các chuyên gia xác nhận, EU là khu vực có tiềm năng, truyền thống nổi bật, với sức mua dồi dào và ổn định nhờ thu nhập bình quân đứng hàng đầu thế giới. Thực tế cho thấy, với 500 triệu người tiêu dùng, lại thiết lập xong khung pháp lý để thống nhất nguyên tắc và tiêu chuẩn cùng "chơi" trên một thị trường chung, nên khu vực này trở thành thị trường hoàn thiện - là mục tiêu theo đuổi của hầu hết DN toàn cầu.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Đại Dương |
Trên thực tế, DN Việt đã và đang hiện diện khá vững chắc tại thị trường EU, với định hướng làm ăn lâu dài, tập trung vào việc mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cũng phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu theo xu hướng đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mở, năng động và nhất là xác định xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocharm) nhấn mạnh, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa EU - Việt Nam đang tiến dần đến bước cuối cùng, hứa hẹn sẽ được ký kết trong thời gian tới và sẽ mang lại ý nghĩa rất tích cực đối với DN Việt. Dự báo, khi đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh, ở mức 30-40% so với trước thông qua việc gia tăng xuất khẩu một số nông sản truyền thống, có thế mạnh như cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều, tôm... Hơn thế, cũng có khoảng 90 dòng thuế áp dụng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được EU giảm xuống mức thấp nhất, đồng nghĩa với sự hậu thuẫn cho hàng Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường này.
EU gồm 28 quốc gia thành viên, có tổng mức giá trị nhập khẩu chiếm hơn 19% giá trị thương mại toàn cầu. EU là thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 4,1 tỷ USD năm 2000 và tăng lên tới gần 34 tỷ USD năm 2013. Những thị trường đang có tốc độ tăng trưởng cao thuộc EU lại là những thị trường nhỏ như: Hungary, Bồ Đào Nha, Latvia… với mức tăng trưởng trên 57%/năm. |
Nâng tầm nông sản Việt
Các chuyên gia khuyến cáo, trong giao thương hiện đại không thể có thuận lợi hoàn toàn mà luôn đi cùng thách thức, bất lợi nếu DN không biết hoặc không thể hạn chế những nhược điểm, yếu kém của mình. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, đại diện Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình trạng DN chấp nhận xuất khẩu hàng nông sản mới qua sơ chế vẫn khá phổ biến do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào được bảo đảm cả về khối lượng và chất lượng. Điều đó làm giảm cơ hội gia tăng giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu cũng như mất cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu do sự manh mún trong sản xuất, diện tích trồng cây nguyên liệu nhỏ lẻ, sản lượng thấp lại thiếu phương thức canh tác tiên tiến và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan…
Một nguyên nhân nữa, đó là DN trong nước cũng chưa quen với cách làm chặt chẽ, đúng quy định của đối tác EU. Đơn cử, DN bạn luôn yêu cầu minh bạch về thông tin sản phẩm, nhất là bảo đảm về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cũng như quy cách đóng gói, bao bì. Đây là những điều kiện gần như bắt buộc và không có sự thỏa hiệp, dễ dãi từ phía nhà nhập khẩu. Từ đó, DN của ta được gợi ý là nên chủ động tìm hiểu rõ quy định chung cũng như yêu cầu của đối tác để đáp ứng; đặc biệt không bao giờ hành xử cẩu thả hoặc có ý định sử dụng những "thủ thuật" khác như lách luật, mua chuộc, tình cảm riêng… với đối tác hoặc cơ quan quản lý nước ngoài. Đơn giản vì họ không có thói quen như vậy đồng thời luôn có ý thức đề cao pháp luật. Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu phải "sạch" về quyền sở hữu trí tuệ và DN cần hết sức tránh vấn đề này do tính nhạy cảm của nó trong giao thương quốc tế. Tiếp theo, sản phẩm xuất khẩu phải có giá bán hợp lý, có thuyết minh và thông tin thành phần cấu thành giá thành sản xuất thật rõ ràng để thuận lợi cho việc đối chiếu khi cần thiết. Làm được như vậy là có thể phòng tránh nảy sinh khiếu kiện chống bán phá giá từ phía DN nước ngoài. Một số vấn đề khác cũng quan trọng nhưng DN Việt chưa quan tâm thỏa đáng là không được sử dụng những đối tượng yếu thế, nhất là người già, trẻ em trong quá trình sản xuất sản phẩm hoặc có vi phạm pháp luật về lao động. Quá trình sản xuất cũng không được gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên hoặc xã hội. Đây là những yếu tố thể hiện sự văn minh nên dễ gây "dị ứng" đối với nhà nhập khẩu. Về phía mình, đại diện DN cũng xác nhận, nhìn chung các đơn vị vẫn còn một số lúng túng trước nhu cầu mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu nông sản vào EU. Đơn cử như DN chế biến cà phê vẫn chấp nhận việc bán sản phẩm mới qua sơ chế hoặc bán thành phẩm; trong khi nhà máy chế biến rau quả lại không làm chủ được vùng nguyên liệu bên cạnh sự bị động về công nghệ, thiếu vốn, phương pháp bảo quản lạc hậu hoặc bất lợi về khoảng cách vận chuyển…
Các chuyên gia cho rằng, DN cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu để khẳng định vị thế trên thị trường; đầu tư có trọng điểm để hình thành hệ thống nhà máy chế biến, từ đó nâng tầm sản phẩm nông sản Việt; đồng thời tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trồng, chế biến, bảo quản và vận tải nông sản.