Mô hình thành công của phim lịch sử nước ngoài
Văn hóa - Ngày đăng : 10:55, 23/09/2014
Trong dòng phim lịch sử, một số thuộc hạng mục docudrama mô tả một sự kiện hay nhân vật lịch sử ở mức chính xác nhất trong phạm vi các tài liệu lịch sử sẵn có. Có thể kể đến Ðiện Biên Phủ của đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer hay Apollo 13, United 93 (Chuyến bay 93), Charlie Wilson’s war (Cuộc chiến của Charlie Wilson) hay gần đây là Lincoln (Tổng thống Lincoln) của điện ảnh Mỹ.
Ngôi sao Chương Tử Di (thứ hai từ trái sang) đóng một vai nhỏ trong phim Đại nghiệp kiến quốc - bộ phim chỉ có kinh phí 10 triệu USD nhưng thu về tới 62,5 triệu USD |
Phần lớn các phim lịch sử khác là những câu chuyện dựa trên người thật, việc thật trong lịch sử nhưng được tiểu thuyết hóa cao độ.
Thu hút khán giả là mục tiêu hàng đầu
Phim lịch sử là mỏ vàng của điện ảnh Hàn Quốc với không ít tác phẩm đạt doanh thu chót vót. Mới đây nhất là Roaring currents (Ðại thủy chiến), kể về trận thủy chiến trên eo biển Myeongnyang của vị tướng quân huyền thoại Yi Sun-sin. Nhiều phim lịch sử khác của Hàn Quốc như Silmido, War of arrows (Cung thủ siêu phàm), King and the clown (Nhà vua và chàng hề)... cũng rất thành công về thương mại.
Phim lịch sử ở các nước dù là docudrama hay tiểu thuyết hóa cũng đều đặt tiêu chí giải trí, thu hút khán giả lên hàng đầu chứ rất ít khi mang mục đích tuyên truyền hay giáo huấn. Ngay cả các docudrama mang tính chất tôn trọng lịch sử tối đa cũng không kể lại câu chuyện lịch sử một cách khô khan, mà vẫn phải đảm bảo tính hấp dẫn cao.
Ví dụ như Ðại thủy chiến không chỉ đơn thuần mô tả lại cuộc thủy chiến trên eo biển Myeongnyang, mà còn chú trọng mô tả tâm lý, bản sắc anh hùng của tướng quân Yi Sun-sin, sự sợ hãi của các binh sĩ khi đối mặt với cái chết, lồng ghép thêm cả câu chuyện gia đình... Ðương nhiên thu hút nhất vẫn là cảnh chiến trận trên biển hùng tráng.
Với các phim lịch sử không thuộc hạng mục docudrama, lịch sử chỉ còn là cái khung để các nhà làm phim tha hồ tô vẽ, sáng tạo tối đa. Các nhà phê bình mô tả Braveheart gần như hi sinh sự thật lịch sử để theo đuổi sự hấp dẫn và hoành tráng, ví dụ như kể câu chuyện tình yêu không có thật giữa hiệp sĩ William Wallace và công nương Isabella, con dâu vua nước Anh. Trong Ðại chiến Xích Bích, Ngô Vũ Sâm để Tiểu Kiều đến quyến rũ Tào Tháo, đưa công chúa nhà Ðông Ngô vào chiến trận.
Trong phim đoạt giải Oscar 2013 Argo (Chiến dịch Argo), đạo diễn Ben Affleck kể lại chiến dịch giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị mắc kẹt ở Tehran khi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran diễn ra. Affleck đã “thêm mắm thêm muối” để cuộc giải cứu trở nên nguy hiểm và gian khổ gấp bội so với sự thật lịch sử. Ngay cả một bộ phim do chính phủ tài trợ, đậm chất tuyên truyền chính trị như Ðường Sơn đại địa chấn của đạo diễn Phùng Tiểu Cương cũng lấy được nước mắt của rất nhiều khán giả khi xoay quanh số phận của một gia đình bị chia cắt trong thảm họa động đất Ðường Sơn năm 1976.
Quảng cáo đóng vai trò lớn
Ðể đảm bảo phim lịch sử ăn khách, các hãng phim cũng phải chi đậm tiền quảng cáo, truyền thông như bất cứ bộ phim nào khác. Ðại thủy chiến của Hàn Quốc có kinh phí 18,6 triệu USD, một con số khá lớn ở Hàn Quốc. Ðể đạt được doanh thu kỷ lục 111 triệu USD, Hãng CJ Entertainment đã phải chi 3 tỉ won (tương đương 2,9 triệu USD) tiền quảng cáo và tiếp thị, theo trang mạng Hankyoreh.
Phim Lincoln có chi phí khoảng 65 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mặt bằng các “bom tấn” Hollywood. Tuy nhiên nguồn tin Hãng Bloomberg cho biết hai nhà phát hành Walt Disney và 20th Century Fox chi 50-100% chi phí này để quảng cáo phim. Ðiều đó có nghĩa là tổng chi phí của Lincoln lên đến 97-130 triệu USD.
Với Ðường Sơn đại địa chấn doanh thu đạt tới 108 triệu USD ở thị trường Trung Quốc nhờ một chiến lược tiếp thị hết sức hiệu quả. Theo đó, Hãng Huayi Brothers quảng bá Ðường Sơn đại địa chấn là một phim thảm họa hiếm hoi của điện ảnh Trung Quốc, với 30% chi phí sản xuất đổ vào những cảnh kỹ xảo và nhấn mạnh hiệu quả hình ảnh đặc biệt của phim do các công ty lớn ở New Zealand, Anh và Hàn Quốc thực hiện...
Chiêu quảng cáo này đánh vào tâm lý khán giả Trung Quốc trước đó rất thích xem phim thảm họa nhiều kỹ xảo của Hollywood. Ðến khi xem phim, khán giả mới phát hiện rằng những cảnh kỹ xảo trong Ðường Sơn đại địa chấn rất ngắn ngủi và thực chất đây là một phim tâm lý gia đình.
Ngay cả với phim Ðại nghiệp kiến quốc hoàn toàn mang tính chất tuyên truyền thuần túy của Chính phủ Trung Quốc cũng tìm cách hút khách bằng việc sử dụng một dàn diễn viên tên tuổi và từ vài tháng trước khi phim ra mắt (tháng 9-2009), Bắc Kinh đã mở chiến dịch tuyên truyền dữ dội trên truyền hình, báo giấy, báo mạng...
Hãy học cách làm phim “cúng cụ” của Trung Quốc Ðiện ảnh Trung Quốc rất mạnh về đề tài phim lịch sử, và dù không thoát được mục đích tuyên truyền, những bộ phim lịch sử của họ luôn chạm được vào lòng tự hào, tự tôn dân tộc và được dàn dựng cực kỳ công phu với mục đích thương mại rõ ràng ngay từ đầu. Năm 2009, Hãng phim China Film Group (CFG) đã đầu tư gần 10 triệu USD để thực hiện bộ phim “cúng cụ” có tên Ðại nghiệp kiến quốc (The founding of a republic) để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với một đề tài lịch sử khô khan như thế, ngay từ đầu CFG đã lên kế hoạch để biến bộ phim lịch sử này trở thành một... siêu phẩm điện ảnh khi mời sáu đạo diễn đương thời nổi tiếng từng rất thành công về phim lịch sử là Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương, Trần Khả Tân, Khương Văn, Ðường Quốc Cường, Trương Quốc Lập đồng đạo diễn dưới sự chỉ đạo của tổng đạo diễn Hoàng Kiến Tân. Chưa hết, cả sáu đạo diễn nổi tiếng nói trên đều xuất hiện trong phim với các vai lớn nhỏ khác nhau cùng với sự góp mặt của hơn 100 diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc, Hong Kong, Ðài Loan dù chỉ đóng vai khách mời rất nhỏ và không lấy thù lao như Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Ðan, Chương Tử Di, Triệu Vy, Trần Khôn, Lưu Diệp, Lê Minh... Rất nhiều ngôi sao lớn của điện ảnh Hoa ngữ đều tự hào được tham gia dự án này. Kết quả, Ðại nghiệp kiến quốc thành công vang dội tại phòng vé Trung Quốc và thu về 62,5 triệu USD, gấp hơn sáu lần kinh phí làm phim! |