Cơ hội cho người hiểu biết

Xã hội - Ngày đăng : 07:49, 23/09/2014

(HNM) - Bên cạnh việc tham gia vào cuộc đua tới các trường ĐH trong nước, con đường du học cũng được nhiều người cân nhắc.

Học gì để có đầu ra

New Zealand từ lâu đã là một thị trường du học được nhiều người Việt Nam lựa chọn bởi chất lượng của các cơ sở đào tạo và môi trường an toàn. Mặc dù lượng người nhập cư vào nước này tăng lên nhanh chóng song những quy định về du học của New Zealand thời gian gần đây không vì thế mà giảm khắt khe. Thị trường lao động nước này đang thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin. Vì vậy, sinh viên quốc tế có rất nhiều cơ hội kiếm việc làm để tích lũy kinh nghiệm cũng như gia tăng thu nhập. Họ được phép làm thêm 20 giờ/tuần trong suốt thời gian học và làm 40 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được phép ở lại làm việc 1-2 năm. Cơ hội định cư ở nước này cũng khá lớn. Theo quy định của Cục Di trú New Zealand, để được xét định cư thì các ứng viên cần tối thiểu 100 điểm. Điểm này sẽ được tính dựa trên một số tiêu chí như: Độ tuổi, kỹ năng, thành phố làm việc, kinh nghiệm làm việc, bằng cấp. Nếu chấp nhận làm việc trong các lĩnh vực thiếu hụt nhân lực hay tại các thành phố ngoài thủ đô thì điểm cộng cho người xin xét định cư là rất cao. Ngành đang thiếu nhân lực ở mức khẩn cấp là ngành khách sạn - du lịch. Những ngành thiếu hụt về lâu dài có: Xây dựng và cơ sở hạ tầng; kinh doanh, tài chính; nông nghiệp, lâm nghiệp; dầu khí; công nghệ; y dược; công tác xã hội.

Một buổi tư vấn du học cho các em học sinh. Ảnh: Sơn Hà


Những năm gần đây, Canada cũng là điểm đến của nhiều du học sinh với chính sách định cư mở rộng cho đối tượng này: Chương trình "Canadian Experience Class" còn giúp các sinh viên có thể đẩy nhanh quá trình từ định cư tạm thời thành định cư vĩnh viễn, tùy thuộc vào mức độ thích nghi của từng cá nhân với đời sống xã hội ở nước sở tại. Luật pháp nước này cho phép sinh viên ở lại làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên quốc tế cũng được làm thêm 20 giờ/tuần với mức lương tối thiểu 10,5 CAD/giờ. 7 ngành nghề đang cần lao động nước ngoài nhất tại Canada trong giai đoạn 2011-2020 gồm: Du lịch, xây dựng, công nghệ thông tin và truyền thông, điện, chăm sóc sức khỏe, dầu khí và khoáng sản.

Ưu đãi bằng thời gian làm việc

Chính sách du học nhiều khi có sự thay đổi do những biến động về nhân lực, nền kinh tế hay chính sách nhập cư của mỗi nước. Vài năm trở lại đây, sinh viên du học Australia với mục đích nhập cư hoặc muốn ở lại để có thêm cơ hội làm việc và cọ sát thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi danh sách các ngành nghề được ưu tiên đã rút ngắn, các bài kiểm tra khi xét cũng khó hơn. Ngoài ra, các chuyên gia du học đưa ra lời khuyên: Người học cần quan tâm đến thời gian và lộ trình học. Vì danh sách các ngành học ưu tiên thay đổi hằng năm nên nếu thời gian học kéo dài, có thể sau khi học xong thì ngành nghề đã chọn không còn được ưu tiên nữa.

Nhật Bản là một trong những thị trường du học còn tương đối mới với sinh viên Việt Nam, song gần đây nước này đã đưa ra kế hoạch thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế và chương trình phát triển nghề nghiệp cho du học sinh tại Nhật Bản. Để khuyến khích sinh viên quốc tế có kỹ năng chuyên ngành nâng cao tìm việc tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã quyết định áp dụng hệ thống tính điểm để đánh giá trình độ của ứng viên, quá trình làm việc và kết quả nghiên cứu. Những người có số điểm nhất định sẽ đủ điều kiện nhận ưu đãi, như là được gia hạn thời gian ở lại Nhật Bản.

Tại Canada, bên cạnh các ngành "trải thảm đỏ" với sinh viên, các chuyên gia cũng lưu ý du học sinh không nên xin việc ở một số chuyên ngành vì sự cạnh tranh rất gắt gao. Đó là đầu bếp, giám sát dịch vụ ăn uống, cán bộ hành chính, trợ lý hành chính, kỹ thuật viên kế toán và nhân viên kế toán, giám sát bán lẻ.

Còn tại Mỹ, có đến 94 ngành học nằm trong danh sách ưu tiên được đưa vào danh sách thu hút sinh viên quốc tế, các tài năng và lao động có kỹ năng cao. Trong đó có một số ngành kỹ thuật, kinh tế, khoa học máy tính - truyền thông. Điều này nằm trong kế hoạch của Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Du học sinh tại Mỹ thường có một năm sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm cơ hội thực tập hay làm việc. Tuy nhiên, cơ hội không phải là như nhau với tất cả các ngành học. Với các ngành học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), sinh viên có thể ở lại làm việc tới 17 tháng thay vì chỉ 12 tháng như quy định. Để được quyền lợi này, sinh viên phải ở trình độ từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ và chưa tham gia chương trình này trước đó. Các sinh viên thuộc các ngành mỹ thuật và nhân văn thiệt thòi hơn các ngành khác vì các lĩnh vực này tại Mỹ ít có các chính sách ưu tiên.

Quỳnh Phạm