Tiền trường đầu năm: Tự nguyện mà như ép buộc
Giáo dục - Ngày đăng : 05:45, 23/09/2014
Khác với mọi năm, năm nay nhiều trường đã thu rải các khoản ngay từ khi HS tựu trường (ngày 15-8) để tránh áp lực cho phụ huynh, song dường như danh mục và mức thu của nhiều khoản vẫn khiến cho nỗi băn khoăn, bức xúc của phụ huynh chưa thể giảm.
Các khoản phụ thu đầu năm học đang gây bức xúc cho nhiều phụ huynh. Ảnh: Hải Nguyễn |
Quy trình nào cho sự tự nguyện?
Từ ngày 15 đến hết 25-9, Sở GD-ĐT Hà Nội thành lập 5 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tình hình thu - chi tại các nhà trường. Một trong những nội dung được các đoàn kiểm tra lưu ý khi làm nhiệm vụ là việc tổ chức thu, quản lý và sử dụng các khoản thu ngoài học phí, với tên gọi là các khoản thu tự nguyện. Đây là khoản thu mà vì nhiều lý do thường được biến tướng, khiến phụ huynh và dư luận bức xúc. So với năm học trước, việc kiểm tra được tiến hành sớm hơn nhằm kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, hạn chế tình trạng thu nhiều, thu sai hoặc không rõ ràng.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, quy trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhà trường trên địa bàn thành phố được áp dụng theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố. Theo đó, các trường được phép huy động đóng góp tự nguyện của phụ huynh theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp. Quy trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp này cũng được ấn định theo quy trình 4 bước từ khi xây dựng kế hoạch triển khai đến khi hoàn thành công việc, công khai quyết toán kinh phí.
Thực tế, đây là những khoản thu hợp lý và cần thiết của các nhà trường trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng không được coi là khoản thu hợp pháp, vì điều kiện và nhu cầu thực tế mỗi nơi mỗi khác. Khoản thu này thường được dùng để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học (mua máy chiếu, điều hòa, bảng tương tác…) hoặc các hạng mục sửa chữa nhỏ của trường. Song thực tế triển khai có nơi làm được, nơi không. Có nơi ngại động chạm, nên chủ trương có thế nào dùng vậy, nhưng rồi thiệt thòi nhất chính là HS. Có nơi làm tắt quy trình để đạt được sự tự nguyện. Một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Long Biên cho biết: Mặc dù đã sắm đủ đồ dùng cho con trước ngày khai giảng, song nhà trường vẫn thông báo phụ huynh phải mua đồ dùng, bảng, thậm chí cả mũ ca nô để đội trong giờ chào cờ do trường cung cấp. Lại có trường đề nghị phụ huynh mua máy chiếu, micro trợ giảng, tủ đồ dùng và quy định mức đóng như nhau, không qua quy trình nào.
Theo quy định thì sau khi có kế hoạch, dự trù kinh phí mua sắm, các trường phải công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉ được vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD-ĐT theo phân cấp quản lý). Thế nhưng, vì nhiều lẽ, quy trình này thường bị bỏ quên. Ý kiến của hầu hết phụ huynh đều cho biết nỗi bức xúc không hẳn xuất phát từ việc phải đóng nhiều tiền, mà chủ yếu là do cách làm của các nhà trường thiếu rõ ràng, minh bạch.
Quỹ phụ huynh: Trăm hoa đua nở
Trong số các khoản thu ngoài học phí, quỹ phụ huynh có lẽ là khoản thu mang nhiều màu sắc, khó kiểm soát nhất. Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT thì "kinh phí hoạt động của ban đại diện (BĐD) cha mẹ HS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác". Nhiều cán bộ quản lý từng kiến nghị nên có quy định thống nhất về mức thu quỹ phụ huynh, hạn chế tình trạng trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy thu. Một số quận, huyện của Hà Nội đã phải quy định mức trần quỹ phụ huynh để áp dụng thống nhất tại các trường học trên địa bàn mình quản lý. Mức trần chung được khống chế ở mức từ 200.000 đồng/HS/học kỳ trở xuống, song vẫn có nhiều cách để lách quy định.
Trước tiên là việc bầu chọn BĐD cha mẹ HS. Theo quy định thì tổ chức này do cha mẹ HS của lớp cử ra, song thực tế - như phụ huynh lớp 6 một trường THCS tại nội thành cho biết, ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, mỗi phụ huynh đã nhận được danh sách, số điện thoại của 4 người trong BĐD cha mẹ HS mà không biết ai bầu, bầu từ bao giờ. Mức thu quỹ cũng được một thành viên trong BĐD thông báo nhanh gọn với mức 2 triệu đồng/HS/học kỳ và theo khẳng định của thành viên này thì đây là mức thu được xây dựng sau khi tham khảo ở các lớp khác cùng khối. Các phụ huynh được khuyến khích đóng ngay tại cuộc họp, những người không mang đủ tiền được phát cho một tờ giấy in sẵn số tài khoản của một thành viên BĐD để chuyển tiền sau.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà BĐD cha mẹ HS có nơi bị gọi là ban vận động thu tiền. Ai được nhà trường "chọn mặt, gửi vàng" thường phải đoán ý hoặc truyền đạt mong muốn của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm để đứng ra vận động phụ huynh đóng góp, khi thì nhà trường cần cái này, lúc thì đang thiếu cái kia. Thành viên BĐD cha mẹ HS nhiệt huyết, lại có thu nhập cao thì mức vận động đóng góp cũng thường "chất lượng" hơn. Người có tâm, hiểu quy định thì phụ huynh được nhờ. Nhưng không phải ở đâu cũng thuận lợi như vậy. Đã có trường hợp phụ huynh được cô giáo gợi ý mời ra khỏi BĐD "do hoạt động không hiệu quả".
Hầu hết phụ huynh đều ngại có ý kiến, sợ ảnh hưởng đến việc học của con nên dù buộc phải tự nguyện vẫn cố gắng nộp đủ số tiền được yêu cầu. Việc được thẳng thắn, dân chủ bày tỏ ý kiến về các khoản thu góp của trường dường như khó, nhất là tại các trường công lập. Có người cho biết nếu phản ứng thì cũng có thể được trả lại một số tiền, nhưng con lại bị để ý, đây là điều chẳng ai muốn. Không biết đến bao giờ, mỗi phụ huynh mới được thoải mái và yên tâm thực hiện cái quyền "được từ chối ủng hộ khi được BĐD cha mẹ HS lớp, BĐD cha mẹ HS trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện" như quy định tại điều 8 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trên trang thông tin điện tử của ngành (www.hanoi.edu.vn) đã công bố công khai tên, chức vụ, số điện thoại của các cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT, lãnh đạo phòng GD-ĐT và ban giám hiệu các nhà trường ở từng cấp học. Đây chính là "đường dây nóng", sẵn sàng tiếp nhận các thông tin, bằng chứng sai phạm về công tác thu chi ở các nhà trường. Khi có các thông tin liên quan đến việc này, phụ huynh HS có thể gọi trực tiếp đến các số điện thoại trong danh bạ để phản ánh. Những phản ánh của phụ huynh, HS về tình trạng thu nhiều, thu sai ở các nhà trường là căn cứ để ngành GD-ĐT chấn chỉnh công tác thu chi ở các nhà trường, hạn chế các hành vi tiêu cực. |