Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Gia Lai

Chính trị - Ngày đăng : 16:52, 22/09/2014

Trong hai ngày 21-22/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc tại Gia Lai nhằm kiểm tra tình hình kinh tế xã hội, công tác cải cách tư pháp, xây dựng nông thôn mới, cơ sở Đảng ở buôn làng trên địa bàn.

Nằm ở phía Bắc Tây nguyên, tỉnh Gia Lai có diện tích 15.536km2, trong đó đa phần là đất nông, lâm nghiệp, với 34 dân tộc chung sống; có 90km đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Khu tái định cư Thủy điện An Khê - Kanak, huyện K'Bang. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)


Ngay khi tới thành phố Pleiku, thủ phủ tỉnh Gia Lai, Chủ tịch nước đã đến đặt vòng hoa tại Quảng trường Đại đoàn kết, nơi có tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên- công trình có ý nghĩa lớn về truyền thống lịch sử và văn hóa, được xây dựng thể theo nguyện vọng của bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Để tìm hiểu thêm về đời sống của người dân, Chủ tịch nước đã đến huyện Kbang, nơi từng là khu căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến.

Chủ tịch nước đã dành thời gian thăm mô hình trồng cao su xen canh, ân cần trò chuyện thăm hỏi đồng bào dân tộc thiểu số tại nhà văn hóa xã Đak smar.

Với lợi thế về đất đai, sông hồ, người dân huyện Kbang đã đầu tư trồng mới nhiều diện tích cao su, mía nguyên liệu, cây mắc ca, nuôi bò và cá tầm thương phẩm, đạt thu nhập bình quân đầu người gần 17 triệu đồng/năm. Huyện Kbang phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch nước đánh giá cao quyết tâm của bà con trong xây dựng nông thôn mới và nhấn mạnh, đây không phải lần đầu tiên xây dựng phong trào, nhưng lần này có khác, tiến độ làm nhanh hơn. Người dân được bàn, được làm và làm chủ công trình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh huyện Kbang vẫn còn 562 hộ dân người tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền phải coi đây là việc cần giải quyết nhanh, chấm dứt sớm, vận động bà con giữ đất sản xuất, không để giới đầu cơ lợi dụng.

Đối với những vướng mắc trong đền bù đất đai cho bà con thuộc dự án thủy điện An Khê-Ka Nak, Chủ tịch nước yêu cầu địa phương phải giải quyết trước Tết; đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Tập đoàn Điện lực tính toán các phương án về hồ đập thay thế, đảm bảo nước tưới cho sản xuất của người dân vùng hạ du.

Tại huyện Kbang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đến dâng hương tại Đền thờ các anh hùng liệt sỹ trong trận đánh đồn Ka Nak năm 1965; thăm Khu nhà lưu niệm Anh hùng Núp tại làng Stor, xã Tơ Tung, huyện Kbang.

Làm việc với khối các cơ quan tư pháp của tỉnh, Chủ tịch nước ghi nhận cố gắng của các cơ quan tố tụng, đã vượt qua khó khăn, thực hiện tốt đấu tranh phòng chống tội phạm.

Chủ tịch nước cho rằng trong tình hình hiện nay, hoạt động tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều loại tội phạm mới xuất hiện gây bất ổn trong đời sống nhân dân. Các cơ quan tư pháp cần tập trung vào các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tư pháp đóng góp tích cực vào quá trình thể chế hóa Hiến pháp 2013, đặc biệt là các Luật Tổ chức Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Điều tra trên tinh thần tạo thuận lợi trong hoạt động của khối tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo những nét cơ bản về đời sống kinh tế xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm. Với giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt hơn 10 nghìn tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 498 triệu USD, mặc dù bị ảnh hưởng do việc thực hiện một số điểm mới về chính sách thuế nhưng thu ngân sách trên địa bàn Gia Lai đã đạt 2.452 tỷ đồng.

Về thực hiện chương trình nông thôn mới, Gia Lai có 5 xã nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí, từng bước trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân. Về lâm nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn.

Thực hiện chương trình của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo giải quyết đất cho 15.850 hộ thiếu đất sản xuất. Các hoạt động tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật quyền dân chủ của công dân, chưa để xảy ra oan sai trong việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam.

Chủ tịch nước cho rằng, kinh tế Gia Lai thời gian qua phát triển tương đối toàn diện, nổi bật nhất là nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu. Qua đây cho thấy tiềm năng triển vọng của Gia Lai còn lớn, sẵn sàng tiền đề để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chủ tịch nước cho rằng, nhờ phát triển kinh tế khá, đời sống bà con, đặc biệt là vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải cách tư pháp của Gia Lai cũng được đảm bảo.

Chủ tịch nước chỉ rõ, Gia Lai cũng phải chú ý một số điểm quan trọng: hiện trên địa bàn còn 30% số thôn bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, đồng thời làm cho thành tựu chung bị xuyên tạc. Tại những nơi thực hiện chưa tốt nhiệm vụ kinh tế xã hội, cần tăng cường cán bộ, phân công Thường vụ chỉ đạo sát sao, chú ý bóc tách nhân tố gây mất ổn, tập trung xử lý, ổn định lòng dân.

Về cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh chăm lo xây dựng đội ngũ luật sư trên cơ sở thu hút nguồn nhân sự sẵn có, không để thiếu hụt, ảnh hưởng chất lượng tranh tụng.

Đối với tình trạng chậm trễ trong xét xử, Chủ tịch nước yêu cầu khắc phục nhanh, rút ngắn thời gian, không để hình thành tâm lý nghi ngại trong nhân dân.

Còn khoảng 1 năm thời gian từ nay đến Đại hội nhiệm kỳ mới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh dồn sức cho những mục tiêu "quốc kế, dân sinh" phát triển kinh tế xã hội, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành Đại hội Đảng các cấp.

Đi sâu phân tích tiềm năng thế mạnh của Gia Lai, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong quy hoạch, phải xác định kỹ diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất để bảo vệ nghiêm ngặt, gìn giữ màu xanh che phủ cho Tây Nguyên - "nóc nhà Đông Dương." Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đời sống người dân sống dựa vào rừng, không để sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Để giải bài toán sử dụng đất và rừng hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi, nâng hiệu quả thu hoạch trên một diện tích canh tác.

Nhấn mạnh chủ trương xây dựng nông thôn mới là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước khen ngợi Gia Lai vừa tận dụng nguồn lực tại chỗ, đồng thời thu hút đầu tư bên ngoài để tăng cường. Chủ tịch đề nghị Gia Lai tiếp tục có kế hoạch cho chặng đường tiếp theo, không chỉ dừng lại, thỏa mãn với 19 tiêu chí khi đã hoàn thành.

Về xã hội, Chủ tịch đề nghị quan tâm đến 664 thôn buôn trên địa bàn, rà soát, nắm bắt những chuyển biến trong đời sống, chú ý củng cố khối đại đoàn kết.

Nhân dịp làm việc tại Gia Lai, Chủ tịch nước đã đến thăm mục sư Huỳnh Duy Linh, Trưởng ban đại diện chi nhánh Tin Lành Gia Lai. Cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch nước, mục sư Linh cho biết, hoạt động tôn giáo Tin Lành tại đây được chính quyền hết sức tạo điều kiện, đến nay đã có 56 chi hội được thành lập, 19 nhà thờ mới khánh thành, 75 mục sư đang thực hành truyền đạo và 7 mục sư mới được công nhận phong chức. Sự quan tâm, gần gũi của chính quyền địa phương đã giúp nhận thức của các tín hữu chuyển biến nhiều.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, mục sư cùng các vị chức sắc vận động tín hữu cùng với Đảng và Nhà nước cùng lo quốc kế, dân sinh, tích cực ủng hộ các phong trào nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Chủ tịch nước khẳng định, mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước không có gì khác là làm cho người dân được no ấm, hạnh phúc.

Chủ tịch nước cũng đã đến thăm tập thể y bác sỹ đang chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Y Dược Hoàng Anh Gia Lai. Đây là mô hình hợp tác giữa Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, có quy mô 200 giường bệnh. Sau gần 2 năm hoạt động bệnh viện đã khám chữa, điều trị cho 280.000 lượt người, đang từng bước nâng cấp trở thành trung tâm y khoa hiện đại của miền Trung Tây Nguyên.

Theo TTXVN/Vietnam+