Tăng cường sự gắn kết giữa Hà Nội và Cà Mau
Chính trị - Ngày đăng : 12:07, 22/09/2014
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm Trung tâm điều hành Nhà máy điện Cà Mau. |
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội với Tỉnh ủy Cà Mau sáng nay (22-9), thế mạnh của mỗi nơi đã được phân tích, làm rõ, trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ gắn kết, tiến tới đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa hai địa phương.
UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình vui mừng thông báo, sau khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư, Cà Mau đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cho đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đạt gần 300.000 ha, trong đó có hơn 266.000 ha nuôi tôm. Trên địa bàn tỉnh đã có 40 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, tổng công suất gần 208.000 tấn/năm, xuất khẩu 30 nước, vùng lãnh thổ, mang lại kim ngạch hơn 1 tỷ USD mỗi năm (8 tháng đầu năm 2014 đạt 850 triệu USD)… Giàu tiềm năng về du lịch, trong đó có điểm nhấn đặc biệt là Mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Việt Nam, một địa danh thiêng liêng trong mỗi tâm hồn người Việt đã và đang được tỉnh đầu tư nhằm thu hút khách du lịch. Ngoài ra, còn có những điểm đến hấp dẫn như khu rừng ngập mặn bãi bồi Mũi Cà Mau, rừng tràm U Minh Hạ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới… Chưa kể, vùng biển Cà Mau dài 254km (chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước) còn có tiềm năng lớn về khí đốt, với trữ lượng khoảng 170 tỷ m3. Đây là tiền đề để tỉnh phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên như điện, đạm, khí đốt, luyện kim và một số ngành sử dụng khí thấp áp khác. Và, sau nhiều nỗ lực của tỉnh cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp, cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau - công trình trọng điểm Nhà nước về Dầu khí được triển khai xây dựng. Hiện tại, hai nhà máy điện, công suất 1.500 MW đã được hoàn thành, hoà mạng vào lưới điện quốc gia, hàng năm cung cấp 9 - 10 tỷ kWh điện. Nhà máy đạm cũng đi vào hoạt động, có công suất 800.000 tấn urê/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2013 lên 1.340 USD, gấp 1,3 lần so với năm 2010.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế tăng trưởng nhanh (9,34%/năm) nhưng chưa bền vững do nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng dù có cải thiện, song nhìn tổng thể vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp, làm hạn chế tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Kết quả hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành chưa nhiều, đầu tư nước ngoài còn ít, vì thế Cà Mau vẫn chưa phát huy được vai trò là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hướng đi của Cà Mau trong thời gian tới là tăng cường thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp Hòa Trung, Năm Căn, Sông Đốc và khu kinh tế Năm Căn; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ, du lịch…; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phấn đấu trở thành một tỉnh trung bình khá vào năm 2015.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc. |
Đồng tình với hướng đi của tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, chuyến thăm và làm việc của đoàn lãnh đạo TP Hà Nội với các tỉnh Tây Nam Bộ, trong đó có Cà Mau trước hết nhằm giao lưu tình cảm, đồng thời tăng cường sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của từng địa phương. Thông qua chuyến đi này, tình cảm giữa Hà Nội và tỉnh Cà Mau càng được thắt chặt hơn nữa. Đây cũng là cơ hội mở ra cho hai địa phương những điều kiện về hợp tác đầu tư, mua bán sản phẩm, trao đổi hàng hóa. Trước hết, hai địa phương có thể hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại, chế biến theo chiều sâu các sản phẩm chủ lực, phát triển du lịch, quản lý, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với điều kiện thuận lợi và tiềm năng lớn về kinh tế, tỉnh Cà Mau có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản, khí, điện, đạm, du lịch sinh thái để tạo được sự phát triển bứt phá hơn nữa.
TP Hà Nội hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Cà Mau 5 tỷ đồng. Dịp này, đoàn đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (phường 1, TP Cà Mau); thăm Mũi Cà Mau và cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau.