Chưa thấu đáo, có tính áp đặt
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 22/09/2014
Bản thông báo khó hiểu
Nội dung thông báo đề cập: "Hiện tại, sản lượng nước khách hàng đã và đang tiêu thụ hằng tháng không phù hợp với quy định (sản lượng nước tiêu thụ thấp hơn định mức đang được áp dụng đối với khách hàng được áp dụng định mức 2 hộ, 3 hộ hoặc 4 hộ có sử dụng chung một đồng hồ). Đề nghị khách hàng liên hệ với công ty để xác minh lại tình hình sử dụng nước (trong vòng 30 ngày thông báo này được ban hành và được gửi tới khách hàng). Trong trường hợp không nhận được ý kiến phản hồi từ khách hàng sau thời gian kể trên, VIWACO sẽ chính thức điều chỉnh định mức tiêu thụ mà khách hàng đang được áp dụng về định mức tiêu thụ mới".
Việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực của quận Hoàng Mai, Thanh Xuân thời gian qua còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Ảnh: Nguyệt Vũ |
Thông báo này được ban hành theo Quyết định số 199/NS-QĐ (QĐ 199) ngày 15-3-2014 của VIWACO về việc ban hành quy định điều kiện và đối tượng áp dụng định mức sử dụng nước sạch chung một đồng hồ. Tuy nhiên, QĐ 199 không được gửi kèm thông báo đến người dân nên không ai biết được quy định của VIWACO như thế nào? Và việc điều chỉnh định mức tiêu thụ mới ra sao?
Thắc mắc hỏi người phát thông báo, nhân dân phường Khương Mai chỉ có thể hiểu đại ý rằng: Với những gia đình có 2 hộ, 3 hộ hoặc 4 hộ đang sử dụng chung 1 đồng hồ có chỉ số tiêu thụ nước sạch thấp, dưới 10m3/hộ/tháng đang được hưởng mức giá ưu đãi thấp nhất (mức sinh hoạt 1 với hệ số tính giá tối đa so với giá bình quân là 0,8) nay sẽ phải nâng chỉ số tiêu thụ nước sạch lên hơn 10m3/hộ/tháng. Có nghĩa là bắt buộc các hộ phải tăng số lượng nước tiêu thụ hằng tháng hoặc không dùng hết định mức tối thiểu vẫn phải trả tiền.
Tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên được biết, không chỉ riêng người dân phường Khương Mai mà toàn bộ khách hàng đang sử dụng nguồn nước sạch của VIWACO đều được nhận thông báo này. Một người dân ở quận Thanh Xuân là khách hàng của VIWACO vừa chìa tờ hóa đơn thu tiền nước vừa phân trần: "Nhà tôi đăng ký 2 hộ khẩu nên được sử dụng định mức nước sạch 2 hộ/đồng hồ, được hưởng 20m3 đầu ở mức giá sinh hoạt 1. Trung bình hằng tháng gia đình chỉ dùng khoảng 13-17m3 nước sạch với số tiền dao động từ 60 đến 80 nghìn đồng/tháng. Nay nếu tính định mức tối thiểu thì gia đình tôi buộc phải tiêu thụ gấp đôi hiện nay, vừa lãng phí nước sạch vừa lãng phí tiền bạc…?
Giải thích chưa thấu đáo (!)
Đem thắc mắc của người dân đến làm việc với VIWACO, phóng viên Báo Hànộimới được Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao Hải Tháp xác nhận, chính đơn vị đã phát hành ra thông báo này. Xuất phát từ thực tế theo dõi đối với các khách hàng sử dụng từ 2 đến 4 hộ chung một đồng hồ nước, thấy họ thường không bao giờ vượt qua mức giá nước sinh hoạt 1. Tức là, người dân được hưởng ưu đãi tiền nước mức thấp nhất, còn Nhà nước giảm thu nhiều.
Khi phóng viên đề cập các vấn đề: Tại sao VIWACO biết sản lượng nước khách hàng đã và đang tiêu thụ hằng tháng không phù hợp với quy định nhưng lại đề nghị khách hàng phải liên hệ với Công ty để xác minh lại tình hình sử dụng nước (trong vòng 30 ngày)? Và quy định "Trong trường hợp không nhận được ý kiến phản hồi từ khách hàng sau thời gian kể trên, VIWACO sẽ chính thức điều chỉnh định mức tiêu thụ mà khách hàng đang được áp dụng về định mức tiêu thụ mới" liệu có phải VIWACO đang áp đặt trách nhiệm quản lý của mình sang cho người dân khi mà họ còn chưa được biết định mức tiêu thụ mới như thế nào, cách thức liên hệ để xác minh lại tình hình sử dụng nước sạch ra sao; chỉ cần điện thoại hay phải đến trực tiếp kê khai theo mẫu…? Ông Cao Hải Tháp trả lời: Đây là thông báo có tính điều tra, tham khảo, hiện chưa áp dụng trong thực tế, người dân đang sử dụng định mức nước sạch nhiều hộ chung một đồng hồ vẫn tiếp tục dùng như cũ. Những hộ dân được phát thông báo này nếu phối hợp xác minh với Công ty thì tốt, không thì… cũng không sao (?!)
Về Quyết định 199/NS-QĐ, ông Tháp cho biết thêm, đây là hướng dẫn đối với các hộ dân bắt đầu đăng ký tăng thêm số hộ sử dụng chung 1 đồng hồ nước phải đạt nhân khẩu tối thiểu từ 7 đến 11 người. Quy định này, dựa trên hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT, trường hợp không xác định số hộ sử dụng nước sạch chung 1 đồng hồ thì xác định theo số nhân khẩu. Theo tính toán của ông Tháp, nếu 2 hộ dân (không biết số nhân khẩu là bao nhiêu) sử dụng chung 1 đồng hồ nước đang được hưởng mức sinh hoạt 1 là 20m3/tháng. Nhưng nếu xác định được 2 hộ đó chỉ có 5-6 người, nhân với định mức sử dụng nước theo nhân khẩu là 2,5m3/người/tháng thì chỉ được hưởng từ 12,5m3 đến 15m3/tháng. Vượt qua số này, người dân sẽ phải nộp tiền nước theo mức giá lũy tiến. Với cách tính này, đương nhiên Nhà nước hay nói chính xác, đơn vị quản lý kinh doanh được nhiều doanh thu. Rất tiếc, khi được đề nghị cung cấp văn bản Quyết định 199/NS-QĐ, ông Tháp khất lần sẽ hỏi ý kiến lãnh đạo và không thấy hồi âm.
Tìm hiểu Thông tư 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT, chúng tôi được biết, đây là văn bản hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch. Trong đó quy định rõ, thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch thuộc cơ quan tài chính, xây dựng, NN&PTNT thẩm định trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định và phê duyệt. Trong khi đó, Quyết định 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đang có hiệu lực thi hành chỉ quy định mức sử dụng nước sinh hoạt theo hộ dân (chưa đề cập đến cách tính theo nhân khẩu). Vậy thì Quyết định 199/NS-QĐ của VIWACO đang bị người dân cho rằng họ bị áp đặt, thiếu căn cứ thực tế, mang lợi cho cơ quan quản lý, đi ngược lại chủ trương, chính sách tiết kiệm, chống lãng phí liệu có phù hợp quy phạm pháp luật?
- - - - - - - - - - -
Quyết định 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 về việc ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định đơn giá bán nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh trên địa bàn thành phố cho mục đích sinh hoạt:
Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.