Ngành “Nail Việt” ở Châu Âu
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:02, 21/09/2014
Một tiệm nail Việt ở Warszawa (Ba Lan). |
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua ở Châu Âu, nhiều phụ nữ phải cắt giảm chi tiêu, nhưng những khoản chi cho việc làm đẹp móng tay thì không thể cắt giảm. Trước đây phụ nữ Châu Âu tự sơn móng tay ở nhà hoặc ở tiệm cắt tóc, nhưng hệ thống tiệm nail Việt đã làm thay đổi thói quen đó. Họ biến ngành này thành một dịch vụ riêng biệt, với thiết bị gồm ghế mátxa để làm móng chân và bàn đèn để làm móng tay, kèm theo là máy bào, máy phun sơn công nghiệp, đèn tia cực tím. Thêm nữa, một loạt công nghệ hóa chất mới được đưa vào đã tạo ra ưu thế cho các mạng lưới của người Việt. Cùng phát triển với các thương hiệu hàng đầu trong ngành như OPI, CND và IBD, là các dòng sơn gel cứng như vỏ xe ô tô, hay gel nền giống hệt như móng thật.
Khởi đầu từ Hoa Kỳ vào khoảng năm 1980, những kỹ thuật viên người Việt đầu tiên đã được trang bị kiến thức làm móng tay với đẳng cấp dành cho giới diễn viên Hollywood. Nét vẽ và nước sơn của họ khác hẳn với các loại mỹ phẩm bình dân. Khi đến công sở, ai đó muốn có những chiếc móng tay đắt tiền và sang trọng hơn đồng nghiệp thì chắc chắn sẽ phải tìm đến các tiệm nail Việt. Cứ thế, người Việt truyền nghề cho nhau và sau một thời gian phát triển trên đất Mỹ, ngành "nail Việt" tiến sang Châu Âu.
Ở Anh, cơn sốt tiệm nail đã đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho giới chủ, mà có người tiết lộ số tiền kiếm được trong vòng một năm lên đến 300.000 bảng (khoảng 1 tỷ đồng). Sự bùng nổ của ngành này ở Anh đã hút nhiều cư dân từ Việt Nam và các nước Đông Âu sang mở tiệm. Có người sang để trông trẻ cho người nhà chuyển sang làm nail, có người đã sẵn nghề đi làm luôn. Do ngành “nail Việt” đòi hỏi sức khỏe và kỹ năng điều khiển máy bào cũng như sử dụng hóa chất nên đến một nửa nhân công làm trong các tiệm nail là đàn ông.
Điều tạo ra thành công cho hệ thống “nail Việt” là một quy trình khép kín từ nhân công, mạng lưới cửa hàng, cho đến các công ty cung cấp thiết bị và hóa chất. Ví dụ như cửa hàng phân phối thiết bị và hóa chất ngành “nail" của ông Lê Đức Quý ở vùng Birmingham, miền Trung nước Anh, là nơi cung cấp hàng hóa cho hàng trăm tiệm nail Việt trong tỉnh và dọc theo trục đường cao tốc đi qua đó. Ông còn là mạnh thường quân cho các hoạt động cộng đồng. Đây cũng là đầu mối để đưa công nghệ mới - bột nhúng SNS vào ngành “nail Việt” ở Anh, giúp cho người thợ khỏi bị độc hại do phương pháp đắp bột truyền thống. Tương tự, ở Berlin có hệ thống cửa hàng và kho bãi của bà Nguyễn Thị Hà ở chợ Đồng Xuân được đánh giá là lớn nhất trong ngành “nail Việt” ở Châu Âu. Không chỉ tổ chức các buổi trao đổi kỹ thuật cho thợ nail từ khắp các nơi trên nước Đức, bà Hà còn đưa đoàn kỹ thuật viên sang Ba Lan để giúp đỡ những người có ý định đầu tư vào ngành này, với sự tham gia nhiệt tình của cô chủ trẻ thương hiệu Asian Nail Lê Hoàng Lan Hương. Chỉ trong vòng nửa năm đã có thêm gần một chục tiệm nail Việt mọc lên ở Warszawa.
Đi trước Ba Lan vài năm, CH Séc nay đã có một mạng lưới tiệm nail Việt rộng lớn và hai cửa hàng cung cấp thiết bị ở chợ Sapa tại thủ đô Praha là Lan Anh - Thoại và Dung - Thuyên. Sự phát triển của ngành “nail Việt” lần lượt từ nước này qua nước khác thông qua mối quan hệ kinh doanh, hay tình đồng hương như chuỗi cửa hàng thiết bị USA Nails ở Anh và Đức của những người con đất cảng Hải Phòng.
“Nail Việt” hiện có mặt ở khắp Châu Âu, cung cấp dịch vụ sắc đẹp cho phụ nữ làm văn phòng ở các thành phố lớn như Geneve, Oslo, Stokholm, Munich… Nếu chú ý ta sẽ thấy công nghệ làm nail mới đã đổ bộ vào Việt Nam được vài năm nay, và dần thay đổi ngành chăm sóc sắc đẹp ở các thành phố lớn. Với thái độ chăm chỉ và khả năng thích nghi nhanh nhạy trong kinh doanh, người Việt đã đóng góp rõ nét vào nền kinh tế toàn cầu - không riêng ở Châu Âu - qua mạng lưới các tiệm nail.