Gustave Dumoutier và tình yêu văn hóa Việt Nam (Tiếp theo và hết)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 21/09/2014
Chỉ trong hai năm (1887-1889), G.Dumoutier đã viết một loạt bài khảo cứu và sách về Hà Nội gồm “Những ngôi chùa ở Hà Nội”, “Chùa Quán Sứ”, “Văn Miếu, đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội”, “Nghiên cứu về khảo cổ học và văn minh học tại chùa Trấn Vũ”, “Chùa Hai Bà”... Trong cuốn “Huyền thoại lịch sử An Nam và Bắc kỳ” thì phần huyền thoại Bắc kỳ chủ yếu là ở Hà Nội với truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho thần Kim Quy. Đó là những chuyên khảo công phu sớm nhất về các di tích thắng cảnh, lịch sử, tôn giáo Hà Nội, đặc biệt có giá trị trong khảo sát kiến trúc và văn bia tại chỗ vào cuối thế kỷ XIX. Các cuốn sách và các bài khảo cứu có giá trị cho đến hôm nay. Khi nghiên cứu về Hà Nội xưa, không thể bỏ qua các cuốn sách và những bài viết của ông.
Văn Miếu ở Hà Nội đã được Gustave Dumoutier viết thành sách. Ảnh: Anh Tuấn |
Đến nhà Việt Nam học
Không chỉ khảo cứu về Hà Nội, G.Dumoutier còn có nhiều công trình khảo cứu về thiết chế chính trị, xã hội và văn hóa dân gian. Trong thời gian làm thanh tra học chính, ông có điều kiện đi đến nhiều vùng miền Việt Nam. Đến đâu ông cũng đi thăm đình chùa, cố gắng tìm gặp các nhà Nho, những người cao tuổi trong làng để tìm hiểu sau đó ghi chép cẩn thận. Từ năm 1890 đến 1903, bên cạnh rất nhiều các bài khảo cứu in trên báo xuất bản ở Pháp và Hà Nội, ông cũng cho xuất bản nhiều cuốn sách như: “Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam”, “Các biểu tượng, biểu hiệu và dụng cụ thờ cúng của người An Nam”, “Thuật phù thủy và bói toán của người An Nam”, “Thuật phong thủy của người An Nam”, “Lễ tang của người An Nam”, “Người Bắc kỳ”... Tiểu luận “Người Bắc kỳ” được đăng thành một loạt bài trong “Tạp chí Đông Dương” từ 15-3-1907 đến 15-2-1908, sau khi ông mất thì in thành sách. Các nhà nghiên cứu cho rằng cuốn sách này có lẽ là cuốn sách có giá nhất về thiết chế làng xã xưa và văn hóa. Những nghiên cứu về làng, giáp cho ta hình dung ra cấu trúc làng ở Bắc kỳ, ông viết “Giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ, trong một số làng khác thì giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn giáo hay tập tục, giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má. Trong nhiều làng khác nữa, giáp lo bảo vệ an ninh trật tự hoặc lo tổ chức hằng năm việc thờ cúng thành hoàng và các lễ hội của làng...”
G.Dumoutier phát triển sự tiếp cận tổng thể với xã hội và các thiết chế của nó. Để làm việc đó, ông tiến hành nhiều nghiên cứu theo chủ đề nhằm phục dựng lại các khía cạnh khác nhau, dù là thuộc làng xã, gia đình, cách ăn uống, y học, tín ngưỡng… Các công trình khảo cứu của ông không chỉ mô tả mà xa hơn ông còn có nhận định, đánh giá vai trò của nó đối với đời sống của người An Nam trên tinh thần khách quan và khoa học. Theo chân ông, nhiều người Pháp cũng nghiên cứu Hà Nội hay Việt Nam theo cách của mình như Henri Orger đã bỏ công sức, tiền của để nghiên cứu nghề in mộc bản ở Việt Nam thông qua cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam”.
Có một câu chuyện rất thú vị liên quan đến một nhà thơ nổi tiếng của nước Nga và những cuốn sách của G.Dumoutier. Trong cuốn “Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam” (Les chants et les traditions populaires des Annamites - NXB E.Leroux, Paris 1890), ông đã sưu tầm các bài đồng dao, ca dao, dân ca sau đó dịch ra tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp với mục đích để người dân Pháp và Châu Âu có thêm hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Năm 1918, nhà thơ N.Gumiliev (1886-1921), một đại diện xuất sắc của thế kỷ bạc trong nền thi ca Nga đã xuất bản tập thơ “Lâu đài bằng sứ” bằng tiếng Nga trong đó có 3 bài thơ là “Các cô gái”, “Đồng dao” và “An Nam”. N.Gumiliev chưa từng đến Việt Nam và xứ Đông Dương, vậy tại sao ông có thể viết được những câu thơ đẹp đẽ và mơ mộng đến thế? Hay ông tưởng tượng ra xứ An Nam? Thấy bài thơ “An Nam” quá hay, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dịch ra tiếng Việt và in trong tập “Một góc thơ Nga” năm 2001.
Vầng trăng lơ lửng treo
Giữa khung trời vô tận
Gió quanh quẩn rặng tre
Hương thơm tràn mát đậm
Cả gia đình bằng an.
Những người lớn uống trà
Đọc thơ ngoài vườn biếc
Đàn trẻ đùa trong nhà
Hồn nhiên và ríu rít
Tiếng khóc nào oa oa.
Cảnh đời hoan lạc thế
Nào có nghĩa gì đâu
Những bạc tiền, danh giá
Nếu ta biết đời sau
Luôn hậu sinh khả úy.
Sau nhiều năm tìm hiểu người ta đã phát hiện ra N.Gumiliev đến Pháp năm 1917. Như vậy ba bài thơ trên không phải do ông làm mà ông đã dịch trong sách của G.Dumontier. Một điều rất tiếc là cuốn “Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam” không phải là sách song ngữ nên không thể biết bài “An Nam”, G.Dumoutier dịch từ bài hát nào ra. Một số người cố gắng tìm ra bản gốc nhưng chưa thể nói là bài dân ca ở vùng miền nào trên đất Việt Nam. Nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng không biết N.Gumiliev dịch từ sách của G.Dumoutier.
Bi kịch cuộc đời
Sau khi sang Việt Nam cùng G.Dumoutier làm được một số việc cho công việc học chính thì 6 tháng sau, ngày 1-11-1886 Tổng trú sứ Paul Bert bị chết vì kiết lỵ nên bao nhiêu dự tính của hai người không thành vì các viên tổng trú sứ (sau là toàn quyền) muốn thực hiện chính sách trực trị, dần xóa bỏ văn hóa Việt Nam để áp đặt văn hóa Pháp, viện lý do là mở rộng thành phố về phía tây, Toàn quyền Lanesan đã quyết định cho phá thành Hà Nội. Kế hoạch dạy chữ Nôm và chữ Hán bị thay thế hoàn toàn bởi chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Và rồi Viện Hàn lâm Bắc kỳ, trường Hoàng gia Huế, các lớp dạy Hán Nôm cho công chức đều bị dẹp bỏ. Để thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) đã tăng cường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, dần xóa bỏ kỳ thi Hương để tạo ra lớp người mới thân Pháp hơn. Dù làm thanh tra học chính nhưng thời kỳ Paul Doumer làm toàn quyền G.Dumoutier gần như bị thất sủng. Năm 1903, sau nhiều lần bị trù dập, G.Dumoutier làm đơn xin tạm nghỉ việc, nhưng đơn của ông bị bác và ông bị cho nghỉ hưu vào ngày 23-4-1904. Quyết định này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của ông vốn đã suy sụp. Chán nản ông xuống Đồ Sơn định ở ẩn nhưng tại đây ông lâm bệnh và mất ngày 2-8-1904. Đám ma của ông chỉ có vài người thân trong đó có một số nhà Nho Việt Nam. Ông được chôn cất ở nghĩa trang gần hồ Trúc Bạch. 110 năm đã qua nhưng những nghiên cứu của ông về Hà Nội và Việt Nam vẫn là những di sản quý của ngành Việt Nam học.