Sư tử đá kiểu Trung Quốc án ngữ trước di tích Cố đô Hoa Lư

Văn hóa - Ngày đăng : 07:55, 20/09/2014

Dù được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, nhưng có đến 3 cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc án ngữ cả 3 cổng của khu di tích Hoa Lư.

Khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là nơi có đền thờ và lăng mộ của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Dù được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt và nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới, khu di tích này cũng không tránh khỏi sự “tấn công” của sư tử đá kiểu Trung Quốc.

Đặc biệt, sư tử đá kiểu Trung Quốc ở Hoa Lư không phải chỉ một đôi mà có đến ba đôi, án ngữ cả 3 cổng của khu di tích, bao gồm cổng chính, cổng phía Bắc và phía Nam. Khi đến thăm khu di tích, đập vào mắt du khách là những con sư tử đá cao lớn, dữ dằn giơ nanh, giương vuốt trấn giữ trước cổng.

Sử tử đá kiểu Trung Quốc án ngữ trước cổng chính vào khu di tích Cố đô Hoa Lư.


Điều đáng nói là những con sư tử đá này vẫn ngang nhiên tồn tại ngay cả khi Bộ VHTT&DL đã có văn bản khuyến cáo về việc không trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, sư tử đá án ngữ di tích Cố đô Hoa Lư hông phù hợp với đền, chùa, di tích ở Việt Nam. Giải thích về điều này, ông cho biết: “Trong nghiên cứu văn hóa, người ta gọi đó là sự xung đột văn hóa. Bản thân chiều kích văn hóa người Việt ưa nội tâm hơn sự phô diễn ra bên ngoài. Nhưng con sư tử lại cần không gian kiến trúc hoành tráng. Bản thân đền đài, lăng mộ của Trung Quốc có chiều kích đấy, có thành bao, tường rất cao, kiến trúc lớn. Nếu bây giờ đưa một con sư tử thuộc bối cảnh văn hóa khác như vậy vào, người ta gọi là xung đột, nói nôm na là “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Sư tử đá ở cổng phía Bắc Cố đô Hoa Lư.


Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng khẳng định, mỗi không gian, mỗi địa điểm có một bối cảnh lịch sử nhất định. Nếu đặt những vật khác vào dù hay đến mấy cũng không chấp nhận được.

Trong khi đó, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư lại không thiếu những cặp nghê đá thuần Việt được chế tác tinh xảo, không thua kém gì những cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc án ngữ trước cổng khu di tích. Trong đó, nổi bật có 2 cặp đôi nghê đá từ thế kỷ 17 được giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá cao ở những đường nét chạm khắc. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế mô tả: về cơ bản đôi nghê có ý nghĩa biểu cảm sự thương tiếc. Nghê ở tư thế chầu, hai bên nhìn vào khách hành hương. Khuôn mặt, thần thái thể hiện sự thương xót, dáng ngồi co ro.

Sư tử đá kiểu Trung Quốc ở Hoa Lư có đến ba đôi, án ngữ cả 3 cổng của khu di tích, bao gồm cổng chính, cổng phía Bắc và cổng phía Nam


Ông cũng đánh giá rất cao về độ tinh xảo ở các mảng chạm, hoa văn trên 2 cặp nghê này. Theo ông, các chi tiết được xử lý đến độ chuẩn, không nhiều, không ít, mà vừa đủ, không rối rắm, phức tạp.

Ngoài ra, nghê mang phong cách của thế kỷ 17 còn xuất hiện trên nóc và nhiều mảng chạm khắc ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng mà theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đây là một trong những ngôi đền có số lượng nghê Việt kỷ lục. Những con nghê này thuộc lớp cổ nhất của đền.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng tỏ vẻ bất bình trước việc trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã có sẵn các cặp nghê Việt đẹp như vậy mà vẫn tồn tại tới 3 cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc án ngữ trước cổng di tích Cố đô Hoa Lư.

Theo Trà Xanh - Hà Phương