Gustave Dumoutier và tình yêu văn hóa Việt Nam

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:43, 20/09/2014

(HNM) - Trong khoảng thời gian 8 năm (1886-1904), Gustave Dumoutier đã công bố gần 60 công trình khảo cứu lớn nhỏ về văn hóa, tôn giáo Việt Nam.

Đôi điều về Gustave Dumoutier

Gustave Dumoutier sinh ngày 3-6-1850 tại tỉnh Courpalay thuộc nước Pháp. Từ nhỏ ông đã đam mê đọc sách lịch sử, khảo cổ và văn hóa. Tốt nghiệp tú tài, G.Dumoutier theo học ngành nhân loại học thời tiền sử. Ngay sau khi ra trường, ông đã có những bài viết về khảo cổ được giới chuyên môn đánh giá cao và nhờ đó ông trở thành hội viên Hội Khảo cổ vùng Seine et Marne. Cảm thấy cần phải có thêm kiến thức hỗ trợ cho công việc khảo cổ, ông đã tự học và đọc rất nhiều sách về lịch sử thế giới và dân tộc học. Bản chất thông minh lại có niềm đam mê nên ông đã thành công trong hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc xuất bản các công trình nghiên cứu không mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ buộc ông phải làm chân sửa morát tại một nhà in.

Hà Nội những năm đầu thế kỷ XIX. Ảnh tư liệu


Năm 1883, các tờ báo trên đất Pháp tràn ngập những bài viết về thuộc địa của nước này ở Châu Phi và Châu Á trong đó có An Nam, đọc các bài viết, ông bị vùng đất xa lạ đầy bí ẩn ám ảnh, ông quyết định theo học tiếng Việt và tiếng Hoa tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales) trong 3 năm. Cơ hội chu du Bắc kỳ đã đến khi Paul Bert, một nhà sinh vật và là nghị sĩ quốc hội rất quý mến tài năng của ông được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm làm Tổng trú sứ ở Trung kỳ và Bắc kỳ đã mời ông làm trợ lý văn hóa và phiên dịch tiếng Việt, tiếng Hoa. Sau 1 tháng lênh đênh trên biển, hai người tới Hà Nội vào ngày 4-4-1886.

Hà Nội năm ấy đã yên ổn vì quân Cờ Đen (lính sơn cước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc) buộc phải về nước theo Hiệp định Thiên Tân nên không còn nạn cướp bóc. Đốc lý Hà Nội bắt đầu cho xây dựng các công trình dân sự như nhà bưu điện Bờ Hồ, tòa đốc lý, ngân hàng… và đang chuẩn bị mở mang khu phố mới ở phía nam Hồ Gươm. Song Hà Nội rất thiếu phiên dịch vì phải chờ đưa từ Nam kỳ ra nên Paul Bert giao cho G.Dumoutier nhiệm vụ tổ chức công việc học chính ở Bắc kỳ. Và chỉ trong một thời gian ngắn, từ một vài trường dạy tiếng Pháp, G.Dumoutier đã thành lập được trường thông ngôn và 13 trường dạy tiếng Pháp cho học sinh nam và nữ tại Hà Nội.

Để tranh thủ giới Nho sĩ Bắc kỳ và mong muốn họ hưởng ứng chính sách "hợp tác" với nhà nước bảo hộ Pháp, ngày 3-7-1886, Tổng trú sứ Paul Bert đã ký nghị định thành lập Viện Hàn lâm Bắc kỳ (Académie tonkinoise). Viện do chính Paul Bert làm chủ tịch. Ngoài một số người Pháp còn có người An Nam trong đó có tiến sĩ đệ nhị giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1890) và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909).

Mục đích của Viện Hàn lâm Bắc kỳ là nghiên cứu tất cả những gì có thể về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Bắc kỳ, giữ gìn và bảo tồn chùa chiền, đền đài; giúp người dân Bắc kỳ hiểu biết về khoa học hiện đại và những tiến bộ của văn minh thế giới bằng cách cho dịch tư liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, thành lập thư viện tại Hà Nội… Để tránh sai lầm đã xảy ra ở Nam kỳ nơi mà chính quốc muốn Pháp hóa dân bản xứ, khiến họ có nguy cơ trở thành người ngoại quốc ngay trên quê hương mình, Paul Bert và G.Dumoutier yêu cầu các viên chức Bắc kỳ theo học chữ Nôm và chữ Hán. Đây là chính sách uyển chuyển và khôn khéo của Paul Bert và G.Dumoutier trong cai trị khi đưa ra quan điểm tôn trọng các định chế, phong tục tập quán của người bản xứ.

Một nhà Hà Nội học

Ngay sau khi đặt chân đến Hà Nội, công việc bù đầu nhưng mỗi khi có thời gian là G.Dumoutier lại đến các đền chùa. Giỏi chữ Hán và chữ quốc ngữ nên ông dễ dàng hiểu được nội dung các câu đối, văn bia ở chùa hay đình, đền. Ông tỏ ra vô cùng thích thú khi ngắm nhìn đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa, lại càng khâm phục hơn khi đọc câu đối trước cổng và trong đền. Trong bài viết về đền Ngọc Sơn đăng trên Báo "Tương lai Bắc kỳ" (Avenir du Tonkin), sau này đưa vào cuốn "Những ngôi chùa Hà Nội" (Les pagodes de Hanoi), ông mô tả kỹ lưỡng về kiến trúc đền, còn về thần Văn Xương ông viết: "Tên gọi Văn Xương luôn luôn rực rỡ dưới bầu trời, học thuyết của ngài lấy mục đích là sự hoàn thiện tinh thần, kẻ nào chăm làm việc thiện nếu chế ngự được bản năng tự nhiên để theo đuổi những lời giáo huấn thánh thiện của sư phụ là luôn kiếm tìm hạnh phúc bản thân niềm vui sẽ đến. Hãy học tập và suy nghĩ về những sách kinh". Những nhận định này đã chạm vào cốt lõi trong tinh thần hiếu học và trọng văn chương chữ nghĩa của người Hà Nội nói riêng và Bắc kỳ nói chung.

Nhận xét về cuốn "Những ngôi chùa Hà Nội", André Massan người từng phụ trách thư viện ở Hà Nội thập niên thứ nhất thế kỷ XX viết trong cuốn "Hà Nội giai đoạn 1873-1888" như sau: "Đó là những bài nghiên cứu đặc sắc". Cuối bài biên khảo về đền Ngọc Sơn, G.Dumoutier viết về Tháp Rùa: "Ở giữa hồ còn một cái chùa khác. Đó là một công trình bé nhỏ, có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn. Công trình này mới có khoảng từ chục năm nay. Nó được xây trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ.

Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh - bao (Vĩnh Bảo), đó là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm Tri phủ Thường Tín, rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị, nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Trên đỉnh công trình, một bên có chữ Vong - dinh (Vọng Đình) và bên kia chữ Quy - son thap (Quy Sơn tháp)". Từ đoạn mô tả này các nhà nghiên cứu (cả người Pháp và người Việt) về Tháp Rùa mới xác định được thời gian xây tháp, đồng thời nó tạo ra nghi vấn tháp này không phải do Bá Kim xây và tháp do ông Bá Kim xây đã bị phá bỏ để xây tháp này. Trong cuốn "Người Bắc kỳ" (Essais sur les Tonkinois) xuất bản năm 1908, về nghề làm đồ sắt tây, G.Dumoutier viết: "Tại Hà Nội có cả một phố chuyên làm nghề này (phố Hàng Thiếc bây giờ - PV). Trước kia thợ sắt tây chỉ làm chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện và vài món đồ lặt vặt khác cho dân bản xứ dùng. Bây giờ họ làm tất cả những sản phẩm của kỹ nghệ phương Tây như: Bình nước, đèn xe, đèn xách tay, đèn nhỏ (lanterne de poche), đủ loại hộp có hình dáng, kích thước khác nhau, giá cắm nến, thùng tưới, bình đựng dầu, ống hình trụ, bồn tắm, hoa sen… Họ lấy sắt tây từ những vỏ bọc các thùng hàng nhập cảng của Pháp, từ những thùng dầu hỏa, hộp đồ ăn". Nhờ đoạn mô tả của G.Dumoutier ta biết rõ hơn về phố Hàng Thiếc cuối thế kỷ XIX và cũng nhờ những mô tả này nhà nghiên cứu Nguyễn Dư ở Pháp đã có cơ sở để chứng minh chiếc đèn dầu (hay còn gọi là đèn Hoa Kỳ) được làm ra từ chính bàn tay của những người thợ thủ công ở phố Hàng Thiếc, không phải do Hoa Kỳ sản xuất. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dư, đầu thế kỷ XX, Hãng dầu Texaco của Hoa Kỳ đến Hà Nội bán dầu hỏa và để cạnh tranh với Hãng Shell, Texaco bán dầu cho khách dù chỉ một lít cũng tặng miễn phí một chiếc đèn, người mua thấy hãng dầu Hoa Kỳ tặng đèn nên gọi là đèn Hoa Kỳ. Gọi mãi thành quen và ai cũng cứ nghĩ nó là đèn mang từ Hoa Kỳ sang.

G.Dumoutier quen biết rất nhiều các nhà Nho ở Hà Nội và thời gian rảnh rỗi ông lại đến nhà họ hỏi những điều chưa biết hay còn thắc mắc, có khi đàm đạo về thơ phú, nhiều nhà Nho rất khâm phục sự hiểu biết của ông. G.Dumoutier còn tự học chữ Nôm để có thể đọc được các cuốn sách bán ở phố Hàng Gai, điều đó giúp ông hiểu biết sâu hơn về văn hóa Việt Nam.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến