"Vòng phấn Kavkaz": "Cơn gió lạ" của kịch Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 06:36, 19/09/2014
Với những hiệu ứng tích cực từ giới chuyên môn và khán giả, Nhà hát đã xếp "Vòng phấn Kavkaz" vào danh mục kịch thường xuyên dù vở diễn mang phong cách khác lạ so với những gì mà người Việt thường hình dung về loại hình nghệ thuật này.
Ảnh: VnExpress |
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, người từng nhiều lần dẫn quân ra nước ngoài tìm hiểu, giao lưu sân khấu, luôn mong muốn mang những tác phẩm kinh điển của thế giới về sàn diễn nước nhà. Với ông, "con đường để thế giới biết đến sân khấu Việt Nam tốt nhất là dàn dựng thành công những tác phẩm có nội dung mang tính quốc tế". Bởi vậy, việc hợp tác với Viện Goethe Hà Nội để dàn dựng thành công "Vòng phấn Kavkaz", một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà viết kịch lừng danh người Đức Bertolt Brecht, thực sự là "giấc mơ hai chục năm đã thành hiện thực", như ông Trương Nhuận nói.
Bertolt Brecht là người phát triển một phong cách sân khấu riêng, như đạo diễn Dominik Guether gọi là "sân khấu sử thi", thứ phong cách mà khi có dịp tiếp cận, những người làm nghề đều cảm thấy vô cùng hào hứng. Sự thú vị đến từ cách tiếp cận mới mẻ đối với kịch, khả năng thi triển ngón nghề không mấy khi xuất hiện tại Việt Nam. Lâu nay, khán giả của sân khấu nước nhà đã quen với việc vào rạp nghe và xem diễn viên thao thao thoại, khóc cười trên sàn diễn suốt mấy tiếng đồng hồ, một sự tiếp nhận mang tính thụ động . "Sân khấu sử thi" thì khác, đó là nơi diễn viên đôi khi rời bỏ vai diễn để giao lưu trực tiếp với khán giả, giúp người xem đào sâu suy nghĩ về tình huống kịch và cảm thấy mình là một phần trong đó, gần gũi chứ không tách rời.
Chọn "Vòng phấn Kavkaz", được coi là bước đột phá của Bertolt Brecht về phong cách nói trên, có là quyết định sáng suốt của Nhà hát Tuổi trẻ hay không? Đã có sự nghi ngại rằng vở kịch có từ cách đây gần 60 năm, liệu có phù hợp với thời đại này? Rằng, kịch của một nước Châu Âu, có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ thì khán giả Việt Nam có "thẩm" được toàn bộ câu chuyện?... Thực ra, phải xem trực tiếp vở diễn mới thấy hết được sự tài tình của đạo diễn Dominik Guether và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ. Từ tháng 3, vị đạo diễn người Đức đã cùng dịch giả Lê Quang soạn lại một kịch bản mới dành riêng cho Nhà hát Tuổi trẻ, mục tiêu nhằm hóa giải những vướng mắc nói trên. Lời thoại được dịch và "uốn" theo văn phong Việt, một số yếu tố được "thời sự hóa".
Suốt gần hai tiếng, câu chuyện về cuộc tranh giành quyền nuôi đứa trẻ - người thừa kế gia tài lớn, giữa Tổng trấn phu nhân (người mẹ ruột đã bỏ rơi con mình đi chạy loạn) và cô hầu gái Grusche (người đã chịu bao vất vả để nuôi dưỡng đứa trẻ) đã tỏ rõ sức lôi cuốn người xem. Khán giả tự đặt mình vào "vòng phấn" để phân xử câu chuyện "ai là người kéo được đứa trẻ đứng trong vòng phấn về phía mình thì được quyền nuôi nó". Xuyên suốt tác phẩm, có một nhân vật đặc biệt mà đạo diễn Dominik xây dựng một cách chủ ý, đó là chàng ca sĩ (Tùng Anh đóng) thay cho nhân vật người kể chuyện trong phiên bản gốc. "Chàng" vận trang phục thời nay, quần soóc, áo phông, hát ca khúc nhạc trẻ, cả những pop, rap, hip-hop, sử dụng thiết bị điện tử và âm thanh hiện đại để dẫn dắt câu chuyện. "Người dẫn chuyện hiện đại" của Bertolt Brecht tương tác với khán giả rất "ngọt", dẫn dụ họ du hành vào "vòng phấn".
"Vòng phấn Kavkaz" cho thấy dấu ấn khá rõ nét của NSND Lê Khanh, người giữ vai trò vừa là trợ lý đạo diễn vừa là diễn viên. Vào tháng 3, sau khi trao đổi với đạo diễn, chị đã hướng dẫn diễn viên tập trước một phần vở diễn, nhất là phần âm nhạc, vũ đạo và cách diễn hình thể. Việc "chạy" đến mức mà Dominik Guenther, trong vỏn vẹn một tháng "nhào nặn" tác phẩm ở Việt Nam, đã phải thốt lên rằng "họ là những nghệ sĩ tuyệt vời nhất mà tôi từng làm việc, thể hiện xuất sắc ý tưởng của tôi". Xem Thu Quỳnh (vai Grusche), Chí Huy (Simon), Nguyệt Hằng (phu nhân Tổng trấn) và đặc biệt là Quỳnh Dương (thẩm phán), có thể thấy lối diễn giàu sức biểu cảm, mỗi cử chỉ đủ sức thay thế hàng chục câu thoại.
Sau vài buổi công diễn, phần đông khán giả tỏ ra hài lòng, cho thấy Việt Nam cũng có thể dung nạp tác phẩm mang phong cách "sân khấu sử thi".