Lấn cấn giữa doanh thu với bản quyền
Xe++ - Ngày đăng : 06:16, 19/09/2014
Những năm gần đây, với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp dịch vụ THTT, thị trường này đã có sự phát triển sôi động.
Ảnh minh họa. |
Theo Hiệp hội THTT Châu Á (Casbaa), chỉ trong vòng vài năm qua, lượng thuê bao đã tăng gấp đôi so với trước và đạt 6,5 triệu thuê bao (tính đến hết năm 2013). Việc có nhiều "nhà đài" cùng tham gia sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho thị trường, trước hết là cùng thúc đẩy sự đầu tư bài bản vào mạng truyền dẫn, sản xuất nội dung giúp khách hàng được xem các kênh truyền hình có chất lượng. Song để thu hút khách hàng, các nhà đài đã liên tiếp có cuộc đua giảm giá, khuyến mãi lớn cho khách hàng (tặng thêm tháng cước khi lắp đặt mới kèm giá trị quà tặng…) khiến giá cước dịch vụ này xuống thấp hơn.
Tại hội nghị quốc tế về phát triển THTT tại Việt Nam do Hiệp hội Truyền hình Châu Á và VTV Cab tổ chức diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia trong ngành đã đề cập vấn đề này và cho rằng rất khó để nâng cao chất lượng với dịch vụ này khi mà chỉ số ARPU (doanh thu bình quân/thuê bao) tại Việt Nam hiện rất thấp. Cụ thể, theo Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền hình vệ tinh (K+) Jacques Aymar de Roquefeuil, ARPU ở Việt Nam chỉ là 4-5 USD/thuê bao/tháng - thấp so với các nước có điều kiện tương đương như Indonesia 11 USD/tháng; Campuchia, Myamar 10 USD/tháng hoặc là quá thấp so với các nước phát triển hơn ở cùng khu vực như Singapore 32 USD/tháng, Malaysia 30 USD/tháng. Vị lãnh đạo K+ cũng cho biết, tại nhiều quốc gia ở Châu Phi - nơi có điều kiện sống thấp hơn so với Việt Nam - chỉ số ARPU cũng vào khoảng 20 USD/tháng. Một đại diện khác là lãnh đạo Công ty truyền thông Qnet cũng phân tích với khách hàng chỉ phải trả cước 60.000 - 70.000 đồng/tháng là được xem hàng chục kênh truyền hình, khiến chỉ số ARPU thấp và điều này gây "bất công" cho việc sáng tạo nội dung, từ đó khó cho mục tiêu tăng trưởng chất lượng nội dung truyền hình trả tiền.
Như vậy, từ những phân tích của các chuyên gia trong ngành có thể thấy với giá cước dịch vụ thấp đã có thể thu hút lượng thuê bao THTT tăng trưởng nhanh. Đây cũng là biện pháp tốt để người dân trong cả nước, ở tất cả vùng miền được xem các chương trình truyền hình hấp dẫn. Song ở góc độ khác, nếu cứ giảm giá sẽ không tốt cho việc sản xuất các nội dung hấp dẫn, vì như đã nói ở trên chi phí cho truyền hình chỉ có tăng do liên quan chất xám (gồm chi phí cho sáng tạo, cho mua bản quyền). Khi doanh thu không đủ thì nhà sản xuất sẽ hạn chế đầu tư sản xuất, mua các chương trình hấp dẫn, dẫn đến hiệu ứng ngược lại là khán giả sẽ không được xem các chương trình đặc sắc. Cũng có ý kiến cho rằng, các nhà đài đã "thu" không ít từ nguồn quảng cáo (số liệu của Casbaa cho thấy con số quảng cáo truyền hình đều tăng trưởng mạnh). Vậy tại sao không trích từ nguồn này vào đầu tư sản xuất nội dung…
Vậy để nâng cao chất lượng nội dung chương trình, đâu là giải pháp trong khi vẫn muốn tăng trưởng thuê bao? Đại diện các nhà đài lớn như VTVCab cho rằng, một trong những giải pháp là thực hiện số hóa truyền hình nhanh hơn nữa. Hiện truyền hình analog (do công nghệ nên tốn băng tần cho phát sóng, trong khi truyền hình số một băng tần có thể phát được nhiều kênh) vẫn chiếm 80% do vậy khó có thể nâng cao chỉ số ARPU. Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng cách tốt nhất hiện nay là các nhà đài cần thiết kế ra nhiều gói cước với các mức giá khác nhau để vừa đáp ứng được đông đảo khách hàng bình dân vừa đáp ứng được lượng khách hàng có nhu cầu thưởng thức theo sở thích cao hơn.
Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được đề cập đó là các nhà đài cần đưa ra các dịch vụ giá trị gia tăng vừa tận dụng sẵn có hạ tầng dịch vụ vừa phục vụ cho khách hàng.