Điền kinh Việt Nam tại ASIAD 17: Niềm tin mong manh

Thể thao - Ngày đăng : 06:51, 18/09/2014

(HNM) - Điền kinh Việt Nam không dễ tái lập thành tích đã giành được cách nay 4 năm, tại ASIAD 16 - Quảng Châu - 2010 (3 HCB, 2 HCĐ) dù tiếp tục được kỳ vọng giành


- Thưa ông, theo danh sách đoàn TT Việt Nam tham dự ASIAD 17, điền kinh là một trong những môn có lực lượng hùng hậu nhất với 14 VĐV. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của các VĐV điền kinh Việt Nam tại giải này?

- Trong số VĐV điền kinh dự ASIAD 17, đa số mới “thành danh” trong 2-3 năm trở lại đây, tham dự với mục tiêu giành huy chương nhưng cũng để chuẩn bị cho các năm sau. Đáng kể nhất là nhóm tiếp sức 4x400m nữ gồm Quách Thị Lan (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định), họ đã được tập huấn tại Mỹ với mục tiêu thay đổi tư duy tập luyện, tiếp thu kỹ thuật mới. Các em đều còn rất trẻ, xét về sự phát triển lâu dài của điền kinh Việt Nam thì lần tham dự ASIAD này là rất cần thiết.

Các thành viên Đội tuyển Điền kinh Việt Nam quyết tâm giành thành tích tốt nhất tại ASIAD 17. Ảnh: Minh Hoàng



- Điền kinh là môn được tập trung đầu tư với mục tiêu huy chương rất rõ ràng. Ông có cảm thấy áp lực?
- Bộ môn nào cũng có chỉ tiêu huy chương. Với điền kinh, chỉ tiêu huy chương là khả thi chứ không có chuyện “vẽ ra” để lấy kinh phí đầu tư.

- Tại ASIAD 16, điền kinh Việt Nam đã giành được 3 HCB, 2 HCĐ, nhờ công của Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương và Vũ Văn Huyện. Tuy nhiên, đã có những biến động về nhân sự ở kỳ này, điều đó có ảnh hưởng đến khả năng giành huy chương của đội hay không?

- Vũ Văn Huyện đã nghỉ thi đấu, Trương Thanh Hằng bị chấn thương, chưa thể lấy lại phong độ. Trong số VĐV điền kinh Việt Nam giành huy chương tại ASIAD 16, nay chỉ còn Vũ Thị Hương. Tuy nhiên, Vũ Thị Hương nay đã 28 tuổi, phong độ sẽ khác rất nhiều so với cách nay 4 năm. Tuổi tác và những lần bị chấn thương chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số thành tích của “Nữ hoàng trên đường chạy cự ly ngắn”. Thực ra, hy vọng lớn nhất của chúng tôi là nhóm tiếp sức 4x400m nữ. Trong thời gian tập huấn tại Mỹ, các em đã đạt chỉ số thành tích 3 phút 33 giây 5. Trong khi đó, đội giành HCV tại ASIAD 16 có chỉ số thành tích là 3 phút 32 giây. Nghĩa là về lý thuyết nếu nhóm này đạt đúng điểm rơi phong độ ở ASIAD 17 thì chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng.

- Đó chính là hy vọng vàng duy nhất của Điền kinh Việt Nam phải không, thưa ông?

- Điền kinh Việt Nam phấn đấu có HCV ở nội dung 4x400m nữ nhưng mọi sự tùy thuộc trạng thái tâm lý, sự phối hợp, nỗ lực của từng cá nhân. Trên thực tế, cái khó là các em biết mình nhưng lại chưa biết người, vì quá trình tập huấn nước ngoài khiến các em bị tách khỏi các giải đấu quốc tế suốt 5-6 tháng. Phải xem đối thủ thi đấu thế nào, bởi 4 năm qua chắc chắn các đội tuyển cũng có rất nhiều thay đổi.

Ngoài ra, Vũ Thị Hương vẫn có thể tranh chấp huy chương, dù khó có được HCV. Bên cạnh đó, một số gương mặt trẻ như Trần Huệ Hoa, Phạm Thị Diễm, Đỗ Thị Thảo. Nguyễn Văn Hùng cũng là niềm hy vọng ở nội dung nhảy 3 bước...

- Cự ly trung bình, chạy 800m và 1.500m lâu nay là “món tủ” của điền kinh Việt Nam. Lần này, gánh nặng huy chương của tổ cự ly trung bình có vẻ được đặt lên vai Đỗ Thị Thảo, một gương mặt rất trẻ?

- Ở hai cự ly này, chúng ta có Nguyễn Văn Lai và Đỗ Thị Thảo. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Lai khó giành huy chương do chỉ số thành tích còn ở khoảng cách rất xa so với đối thủ. Ở cự ly 800m và 1.500m của nam, Châu Á có những VĐV đang giữ ngôi vô địch thế giới. Đỗ Thị Thảo có hy vọng nhưng sẽ phải rất cố gắng bởi thực tế, chỉ số thành tích của VĐV này vẫn chưa thể bằng đàn chị Trương Thanh Hằng.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mai Hoa