NASA không phát hiện được 90% các vật thể bay có thể gây hại cho Trái đất

Công nghệ - Ngày đăng : 09:52, 17/09/2014

Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) luôn được xem là cơ quan có nhiệm vụ “bảo vệ trái đất” khi đưa ra những cảnh báo sớm về các vật thể có khả năng va chạm vào Trái đất.


NASA thường xuyên đưa ra những thông tin và cảnh báo sớm về những vật thể trong vũ trụ có khả năng bay gần hoặc thậm chí va chạm vào trái đất, do vậy đây vẫn được xem là cơ quan có trách nhiệm “bảo vệ trái đất” khỏi những mối nguy ngoài không gian.

Tuy nhiên một sự thật khiến nhiều người bất ngờ và lo lắng khi NASA thất bại đến 90% trong nhiệm vụ được chính phủ Mỹ giao phó phát hiện các vật thể có khả năng va chạm vào trái đất.

Các tiểu hành tinh, thiên thạch từ bên ngoài lao vào trái đất luôn là “cơn ác mộng” với không ít người



Thông tin trên được tiết lộ từ báo cáo của Tổng thanh tra chính phủ Mỹ Paul Martin. Báo cáo cho thấy chương trình giám sát các vật thể trong không gian bay gần trái đất chỉ có thể phát hiện được 10% các thiên thạch và tiểu hành tinh, phù hợp với tiêu chuẩn được xem là có khả năng gây nguy hiểm cho trái đất, bao gồm những vật thể có đường kính tối thiểu 140m và bay cách quỹ đạo trái đất 45 triệu km.

Mục tiêu đặt ra cho chương trình giám sát các tiểu hành tinh của NASA là phát hiện 90% các đối tượng bay ngoài không gian có khả năng gây nguy hiểm cho trái đất trước thời hạn năm 2020. Tuy nhiên theo Paul Martin, việc thiếu sót nhân sự và khả năng quản lý yếu kém đã khiến cho chương trình không đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Mặc dù hầu hết các đối tượng trong không gian khi bay qua bầu khí quyền của trái đất sẽ bị phá hủy bởi lực ma sát gây ra bởi khí quyển và tốc độ cao, nhiều tiểu hành tinh vẫn cho thấy khả năng gây ra thảm họa chết người trên diện tích lớn. Đơn cử như vụ nổ thiên thạch trên bầu trời thành phố Chelyabinsk, miền nam nước Nga, vào tháng 2 năm ngoái.

Vụ nổ thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk có sức công phá tương đương 30 quả bom nguyên tử. Hơn 1.000 người Nga đã bị thương bởi sự cố này.

Các nhà khoa học cho biết những sự kiện tương tự có thể xảy ra trong chu kỳ 30 đến 40 năm, tuy nhiên may mắn hầu hết các mảnh thiên thạch thường lao xuống đại dương nên ít khi gây thiệt hại trên những khu vực đông dân cư.

Chính phủ Mỹ đã từng đầu tư cho NASA hơn 100 triệu USD để tài trợ cho các chương trình giám sát và tìm cách ngăn chặn những vật thể bay trong không gian có khả năng đe dọa trái đất, bao gồm các chiến lược phòng thủ dân sự, sơ tán khẩn cấp hoặc cố gắng phá hủy hoặc làm chệch hướng quỹ đạo của vật thể bay trong không gian...

Từ năm 1998 đến nay, NASA đã phát hiện, phân loại và vẽ quỹ đạo của hơn 11.000 đối tượng bay gần trái đất bên trong hệ mặt trời.

Theo T.Thủy