Cuộc chiến không rõ hồi kết

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:25, 17/09/2014

(HNM) - 13 năm sau cuộc tấn công Afghanistan được xem như lời tuyên chiến của Mỹ với chủ nghĩa khủng bố, 11 năm sau cuộc chiến tranh Iraq nhằm tiêu diệt một chế độ được cho đang sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đe dọa an ninh thế giới...


Thế nhưng, di sản của sự can thiệp quân sự cách đây hơn một thập kỷ tiếp tục kéo Washington trở lại Trung Đông để bắt đầu một trận chiến mới được dự báo sẽ không kém phần khốc liệt và dai dẳng.

Sự trỗi dậy của IS đưa thế giới sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố mới.



"Không còn thời gian để mất trước mối đe dọa khủng bố lớn lao đè nặng lên Iraq, trong khu vực và trên thế giới", Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố trong hội nghị quốc tế nhằm tìm tiếng nói chung trong việc chống lại sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa kết thúc tại thủ đô Paris. Cuộc gặp gỡ khẩn cấp với sự tham dự của lãnh đạo 29 quốc gia trong nỗi căm phẫn và niềm tiếc thương nhà hoạt động nhân đạo người Anh David Haines vừa bị IS chặt đầu hôm 13-9 vừa qua. Sự kiện con tin phương Tây thứ ba, sau hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff bị hành quyết man rợ trong vòng chưa đầy một tháng đã tạo ra một ngã rẽ cho chính sách Trung Đông của phương Tây. Việc hội nghị đã đạt được thống nhất cao về sự hợp tác trên phạm vi toàn cầu để loại bỏ nhóm khủng bố khát máu này đã phác thảo hình hài của một liên minh chống khủng bố mới.

Tuy nhiên, bận tâm lớn nhất chính là sự thành công của cuộc chiến với IS trong bối cảnh thế giới và các mối quan hệ quốc tế đã thay đổi nhiều so với thời điểm hơn 10 năm trước. Hiện tại Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc đối đầu trực diện với IS, nhưng cũng vô cùng bối rối trong cách thức đối phó với nhóm phiến quân mà nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đã lớn mạnh nhờ sự hậu thuẫn của Washington khi chúng còn đang trứng nước ở Syria, cũng như một chính sách can thiệp dang dở của Mỹ tại Trung Đông. Khi những tàn dư của hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq vẫn chưa thực sự được giải quyết, cuộc cách mạng "Mùa xuân Arab" hạ bệ nhiều chế độ cầm quyền ở khu vực vốn đầy rẫy bất ổn này dường như đã giúp "cởi bỏ xiềng xích" cho những phần tử cực đoan. Lúc đó, Syria trở thành chiến địa cho sự tranh giành ảnh hưởng giữa phương Tây và Nga - một đồng minh truyền thống của Damascus cũng như giữa các lực lượng Hồi giáo Sunni và Shiite tại khu vực. Mục tiêu xóa sổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vốn theo dòng Alawite, một nhánh của dòng Hồi giao Shiite đã kéo các tay súng Sunni khắp Trung Đông tới tham chiến. Và không thể phủ nhận thực tế là phương Tây đã xem những nhóm phiến quân Sunni, trong đó có IS là một đồng minh tinh thần để đạt được ý đồ đưa ông Al-Assad khỏi đời sống chính trị Syria. Đây chính là "cái khó" của Mỹ khi buộc phải đứng trước một cuộc chiến chống khủng bố thứ hai. Với việc kiểm soát 40% miền Bắc Iraq và 25% lãnh thổ Syria, sẽ là không triệt để nếu như chỉ tập trung không kích các tay súng IS ở Iraq như kế hoạch đề ra mà không tiễu trừ những cơ sở hùng hậu của chúng ở lãnh thổ Syria láng giềng. Tuy nhiên, việc hợp tác với Syria và Iran, một đồng minh và cũng là ngọn cờ đầu của người Shiite tại Trung Đông theo đề xuất của hai nước này vẫn là một đề án chưa được phê chuẩn. Việc loại bỏ đại diện của hai đối tác được đánh giá là có vai trò đáng kể trong cuộc chiến chống IS khỏi hội nghị tại Paris đã khiến nhiệm vụ truy quét nhóm phiến quân từng được phương Tây xem là trợ thủ đắc lực thêm phần khó khăn.

Mối hoài nghi vào hiệu quả ứng phó với mối nguy hiểm tăng dần từ IS còn nằm ở chỗ cả Mỹ và các đồng minh đều không tính đến các phương án triển khai quân đội trên bộ mà chỉ dùng hỏa lực từ không quân. Hạn chế của giải pháp này là rõ ràng nếu nhóm cực đoan ranh mãnh sử dụng chiến thuật du kích và đến lúc đó những thương vong cho dân thường là không tránh khỏi. Rất có thể, những tay súng IS sẽ lợi dụng điều đó để khơi dậy tâm lý chống Mỹ vốn đã có thừa trong thế giới Arab. Nguy cơ đó không chỉ tạo điều kiện cho IS trong việc chiêu mộ thành viên mà còn cho thấy tương lai phức tạp của một cuộc chiến chưa biết khi nào mới kết thúc.

Khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan năm 2011, cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba tưởng như đã đi đến hồi kết. Nhưng hơn 3 năm sau thời điểm chiến thắng đó, nhân loại lại bị đe dọa bởi những mối nguy hiểm thậm chí còn khủng khiếp hơn Al-Qaeda. Đành rằng việc liên kết để chống lại những kẻ khủng bố là tất yếu và cấp bách, nhưng ngăn chặn sự hình thành những tổ chức khủng bố kiểu này cũng quan trọng không kém. Chỉ khi nào những cội rễ xung đột ở Trung Đông được giải quyết, những toan tính lợi ích bị kiềm chế và khu vực này được ổn định bởi những chế độ có khả năng quản lý đất nước thì lúc đó thế giới mới không phải chứng kiến sự xuất hiện của những IS.

Iran bác đề nghị của Mỹ về hợp tác chống IS
Theo AP ngày 16-9, Iran cho biết nước này bác bỏ đề nghị hợp tác của Mỹ trong khuôn khổ một liên minh do Washington đứng đầu chống lại nhóm phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Trong một tuyên bố trên trang web chính thức của mình, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho biết Tehran ngay từ đầu đã bác bỏ đề nghị được Washington đưa ra thông qua Đại sứ của Mỹ ở Iraq về việc hợp tác chống IS. Theo Iran - nước vốn đang giúp cả Syria và Iraq chống IS, mục tiêu chính của liên minh quốc tế chống IS là nhằm thay đổi chế độ tại Syria vì một số nước thành viên trong liên minh này đã hỗ trợ tài chính và trang bị vũ khí cho các nhóm thuộc IS tham gia chiến dịch lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Asssad.

Trong khi đó, các nguồn tin khu vực cho biết IS đã rút xe tăng khỏi nhiều trụ sở của lực lượng này tại các tỉnh Aleppo và Raqqa của Syria.

Vân Khanh