Thực phẩm từ nước ngoài: Hãy cảnh giác!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 17/09/2014
Còn các quốc gia phát triển, hệ thống pháp luật chặt chẽ, lấy chữ "tín" làm cơ sở giao thương thì thực phẩm "bẩn" là một hiện tượng ngẫu nhiên, thậm chí là xa lạ. Vì thế, người tiêu dùng Hà Nội tin tưởng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển từ trái cây, thịt lạnh, đồ hộp, đồ uống... Chỉ cần biết nơi sản xuất, nhìn tem dán là yên tâm ăn, coi đó là thực phẩm sạch gần như tuyệt đối.
Đùng một cái, thông tin chính thức về 782 tấn dầu ăn "bẩn" ở ngay Đài Loan (Trung Quốc) làm người tiêu dùng choáng váng. Đài Loan, nơi thu nhập tính theo đầu người vài chục nghìn USD một năm. Đài Loan, một vùng lãnh thổ phát triển, trong đó có hoạt động thương mại có thể nói là văn minh, đã phát hiện thấy dầu ăn "bẩn" sản xuất từ rác thải, từ nước cống, từ dầu cặn… với số lượng lớn và có hệ thống sản xuất, phân phối, kể cả xuất khẩu bài bản, tồn tại từ lâu, qua mặt các nhà chức trách.
Nhưng sự thật khiến nhiều người không thể không tin. Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc còn đưa ra những thông tin cụ thể hơn. Số dầu ăn "bẩn" này được chế biến từ hơn 400 tấn dầu độc hại bằng một công nghệ khử tạp chất, nhuộm màu tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường. Dầu sản xuất ra được phân phối cho 1.200 cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó có gần 1.000 cửa hàng ăn và hàng trăm cơ sở chế biến thực phẩm chuyên làm đồ hộp và các đồ ăn nguội khác. Đáng sợ hơn, các loại thực phẩm chế biến có sử dụng dầu "bẩn" đã được xuất sang 12 nước trong đó có Mỹ, New Zealand là những nước có chế độ kiểm tra thực phẩm khá ngặt nghèo khi thông quan và cả Việt Nam.
Sau những thông tin đó, một câu hỏi được đặt ra với người tiêu dùng là ngoài Công ty TNHH TMDV Cửu Hương (đơn vị nhập khẩu hai loại thực phẩm được chế biến từ dầu ăn "bẩn" của Đài Loan) đã bị phát hiện, còn bao nhiêu công ty khác ở Việt Nam đã nhập thực phẩm có dầu ăn "bẩn" của Đài Loan hoặc những cơ sở sản xuất dầu "bẩn" khác còn lọt lưới pháp luật và chính mình lâu nay đã vô tình ăn dầu "bẩn" ấy chưa. Câu hỏi thứ hai không kém phần quan trọng là Đài Loan còn có công ty sản xuất dầu "bẩn" thì ở đâu có dầu ăn không bẩn?
Việc trả lời câu hỏi thứ hai mới làm đảo lộn ý nghĩ về thực phẩm kể cả tươi sống và chế biến có nguồn gốc nước ngoài. Không thể mất cảnh giác trước chất lượng thực phẩm nước ngoài và coi thường thực phẩm Việt Nam. Bởi lẽ thực tế cho thấy không ít công ty nước ngoài đã tung ra những mánh khóe làm ăn thiếu lương tâm. Vận hành trong nền kinh tế thị trường không thể không tính toán lợi nhuận. Vì lợi nhuận, người ta có thể làm hại người tiêu dùng (trường hợp dầu "bẩn") hoặc làm lợi cho người tiêu dùng để giữ chữ tín, kích thích sức mua. Tốt nhất là nên khuyến khích hàng chất lượng tốt dù Việt Nam hay nước ngoài sản xuất và cảnh giác, tẩy chay hàng xấu, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Một điều nữa, khi có hiện tượng hàng hóa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nước thông báo ngay, không những trong nước họ mà cả với nước ngoài. Còn ta? Phải chăng đấy cũng là nguyên nhân khiến ta chưa mở rộng được thị trường như mong muốn.