Chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão số 3
Giáo dục - Ngày đăng : 17:55, 16/09/2014
Các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Công điện ghi rõ: Bão số 3 (tên quốc tế là Kalmaegi) đang tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16 và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta.
Ngày và đêm 16/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, 12, giật cấp 13, cấp 14, kèm theo mưa lớn trên diện rộng, nhất là khu vực Đông Bắc và Việt Bắc.
Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và đề phòng bão đổ bộ sớm hơn dự báo.
Trước diễn biến phức tạp và bất thường của cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1762/CĐ-TTg ngày 15/9/2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan chủ động khẩn trương đối phó với cơn bão số 3.
Để chủ động đối phó với diễn biến cơn bão, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, các các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ thuộc các tỉnh, thành phố nói trên khẩn trương thực hiện một số việc sau:
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra; thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ; liên hệ và phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với các tình huống thiên tai; theo dõi sát diễn biến của bão, mưa, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, các công trình có độ an toàn thấp, các công trình vừa bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị tốt công tác phòng chống bão, mưa lũ, chuẩn bị tốt các phương án ứng phó trong và sau bão, mưa, lũ, lụt.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục cần chủ động đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, mưa lũ đang diễn ra.
Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp, có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học, nhằm tránh những rủi ro cho học sinh, sinh viên khi đến trường.
Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão, mưa, lũ lụt. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường khi xảy ra bão, mưa, lũ lụt, nhanh chóng đưa các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường, có phương án bố trí thời gian đến trường hợp lý ở các cơ sở giáo dục.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Hội phụ nữ, Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các đơn vị trong ngành đảm bảo “3 đủ”, tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ học sinh đến trường sau mưa, lũ, lụt bão. Đảm bảo không để học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở do thiên tai gây ra.
Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Ngoài việc báo cáo nhanh về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão địa phương và Bộ GD&ĐT theo quy định, còn phải báo cáo những tình huống phát sinh, những sự cố bất thường xảy ra trong mưa, bão, lũ, lụt để kịp thời chỉ đạo, xử lý./.