Nam Á trên bàn cờ thế giới

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:17, 16/09/2014

(HNM) - Dường như chưa bao giờ Nam Á lại trở thành điểm đến ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ngoại giao của các cường quốc khu vực và thế giới như thời gian gần đây.


Chỉ chưa đầy nửa tháng, khu vực này đã chứng kiến hàng loạt chuyến thăm con thoi của các nhà lãnh đạo: Thủ tướng Australia Tony Abbott công du Ấn Độ; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Bangladesh, Sri Lanka (sau khi tiếp đón người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo); Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang thực hiện chuyến công du Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ từ ngày 14 đến 19-9.

Một thành phố biển của Ấn Độ.


Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đã cam kết đầu tư 34 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, ký kết các hợp đồng bán vũ khí, công nghệ và tuyên bố hợp tác trong các thách thức an ninh chung trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng N.Modi trên cương vị mới tới xứ sở Mặt trời mọc. Và chuyến thăm 3 ngày tới Bangladesh và Sri Lanka của nhà lãnh đạo năng động Nhật Bản sau đó cũng kết thúc với nhiều thỏa thuận hợp tác, những khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA). Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm khẳng định vị thế tại khu vực có vị thế

địa chiến lược chính trị quan trọng này. Thành công trong chuyến công du Nam Á của Thủ tướng Australia T.Abbott trong việc đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ như một trụ cột trong liên kết Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm thích ứng với mối quan hệ quốc tế đang thay đổi thêm một lần cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ và khu vực Nam Á trong cấu trúc an ninh và kinh tế mới. Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nam Á cũng không nằm ngoài mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với khu vực đang ngày càng có vị trí quan trọng, đặc biệt với Ấn Độ - quốc gia mà sự hợp tác với Trung Quốc được tăng cường mạnh mẽ qua các hoạt động kinh tế năng động nhưng đồng thời cũng vẫn tồn tại những thận trọng và nghi ngờ xung quanh chủ quyền ở khu vực Himalaya.

Nằm ở phía Nam lục địa Châu Á, khu vực Nam Á còn được gọi là "bán đảo Nam Á" hay "tiểu lục địa". Với diện tích khoảng 4 triệu kilômét vuông, chỉ chiếm khoảng 10% diện tích Châu Á, thế nhưng việc án ngữ Ấn Độ Dương rộng lớn, một phần quan trọng của "Con đường tơ lụa" trên biển từ thời cổ đại đã giúp "tiểu lục địa" này chiếm giữ vai trò đặc biệt. Một trong những yếu tố làm cuộc đua tới Nam Á trở nên nóng bỏng là bởi nơi đây có sự hiện diện của Ấn Độ - một cường quốc đang nổi lên mạnh mẽ với tiếng nói có trọng lượng trong các vấn đề toàn cầu. Về quân sự, Ấn Độ đang sở hữu nhiều công nghệ vũ khí tối tân, kiểm soát hoàn toàn tuyến hàng hải Đông - Tây huyết mạch của nền kinh tế thế giới. Nước này cũng đang từng bước trở thành cường quốc biển và có vai trò trọng yếu với an ninh không chỉ ở Ấn Độ Dương mà cả Thái Bình Dương cũng như khu vực Biển Đông. Về chính trị, quốc gia Nam Á đang vươn tới vị thế của một cường quốc đang trỗi dậy và đóng góp đáng kể trong việc hình thành cục diện thế giới mới cũng như làm đối trọng điều chỉnh các mối quan hệ phức tạp trên toàn cầu. Về kinh tế, những cải cách kinh tế quan trọng đã khiến Ấn Độ giữ được mức tăng trưởng bình quân hằng năm từ 7% đến 8% và năm 2013, đạt 1.876 tỷ USD, chiếm 3,03% kinh tế toàn thế giới. Theo dự đoán đến năm 2030, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba trên hành tinh. Vì vậy, không khó lý giải cho xu thế tất yếu là các nước lớn đều đặt Ấn Độ vào trọng tâm của chính sách hợp tác trên cả bình diện kinh tế, chính trị và quân sự.

Sự liên kết với New Delhi và mở rộng ra là với khu vực Nam Á được kỳ vọng sẽ tạo nên một sự cân bằng quyền lực cần thiết tại Châu Á, góp phần ổn định hòa bình tại khu vực và trên thế giới.

Đình Hiệp