Cách làm nguội một vấn đề... nóng
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:45, 16/09/2014
Có đại biểu đánh giá, nếu căn cứ vào báo cáo thì tình hình tham nhũng thời gian qua "tương đối ổn định", cụ thể là số vụ việc được phát hiện, xử lý tăng giảm không đáng kể. Có đại biểu lại băn khoăn về chuyện năm nào cũng chỉ thu hồi được hơn 10% tài sản tham nhũng, phải chăng 90% kiến nghị còn lại là không đúng hoặc kiến nghị không được các cơ quan chức năng thực hiện? Có đại biểu đặt vấn đề, theo báo cáo, các vụ việc tham nhũng năm 2014 được phát hiện, xử lý giảm so với trước là do tham nhũng giảm hay khả năng phát hiện của cơ quan chức năng yếu? ...
Tóm lại, có rất nhiều vấn đề, nhiều cách tiếp cận với những kết quả đã nêu trong báo cáo; nhiều lập luận, phân tích, đánh giá và nhiều câu hỏi đã được đặt ra với một số khía cạnh cụ thể của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, có một điểm chung mà tất cả các đại biểu đều thống nhất nhận định, đó là từ dư luận xã hội và diễn biến cụ thể của tình hình thực tế thì tham nhũng, tiêu cực hiện nay chưa hề giảm.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, kết quả như đã nêu là chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. Mới đây, tại một hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa hiệu quả là do những hạn chế ở cả góc độ ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Luật Phòng chống tham nhũng ban hành năm 2005 đã tạo được khung pháp lý để đấu tranh với loại tội phạm này; tiếp đó, cuối năm 2012, Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm một số điều khoản để luật mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh. Ví dụ như biện pháp kê khai, công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là nhằm giảm nguy cơ phát sinh tham nhũng, nhưng hiện công tác này còn nặng tính hình thức, chỉ dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, hầu hết không được kiểm tra, xác minh. Từ năm 2007 đến nay, cả nước chỉ xác minh được trên 5.800 bản kê khai, chiếm tỷ lệ 1,3%. Như phản ánh của một số cán bộ quản lý thì không có cơ sở pháp lý yêu cầu cán bộ cấp dưới giải trình dù thấy tài sản của họ tăng lên bất thường. Hoặc theo thống kê, năm 2013 đã truy tố trên 1.900 vụ án tham nhũng nhưng có đến 30-40% vụ thuộc cấp xã, 20% cấp huyện, 10% cấp tỉnh và chỉ 0,3% ở cấp trung ương. Như vậy, hầu hết đối tượng tham nhũng đều ở cấp cơ sở, phải chăng đội ngũ lãnh đạo cấp càng cao càng ít tham nhũng hay chúng ta mới chỉ phát hiện được những "con cá bé"? Với những vụ án tham nhũng được đưa ra xử điểm thời gian qua thì câu chuyện hoàn toàn khác. Thậm chí có thể thấy, cán bộ có chức quyền càng cao, mức độ sai phạm càng lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Lại nữa, đa số vụ việc tham nhũng, tiêu cực không phải được phát hiện từ nội bộ các cơ quan, đơn vị mà hầu hết là do dư luận xã hội, phải chăng có hiện tượng bao che, né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm? Hoặc như việc chỉ đạo cần làm rõ các "địa chỉ" bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng mới chỉ dừng lại trong các hội nghị, các đợt sơ kết, tổng kết...
Nêu vài dẫn chứng để thấy, rõ ràng trong kiểm tra, giám sát và trong cả cơ chế phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực đều cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế tình hình. Như vậy mới có thể phát huy sức mạnh trong sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và dư luận xã hội nhằm ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, để tham nhũng tiêu cực không còn là "quốc nạn", không còn là vấn đề bao giờ cũng "nóng" trong các cuộc họp.