Giúp công nhân tránh bẫy “tín dụng đen”

Tài chính - Ngày đăng : 07:23, 29/08/2022

(HNM) - Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, vấn nạn “tín dụng đen” ngày càng biến tướng khiến không ít công nhân "sập bẫy" và chịu nhiều hệ lụy. Nhằm từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng "tín dụng đen", các cấp công đoàn vừa tăng cường tuyên truyền, vừa kết nối, hỗ trợ để công nhân được vay các nguồn vốn ưu đãi.

Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) hỗ trợ vốn vay cho công nhân, người lao động tại quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều hệ lụy

Chị L.T.M. (35 tuổi, công nhân làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho hay, chị đã vay 50 triệu đồng theo dạng "tín dụng đen" từ tháng 4 vừa qua. Đến cuối tháng 6, số tiền cả gốc và lãi của chị đã vọt lên tới 128 triệu đồng. Chưa xoay được tiền trả nợ, chị đã bị các đối tượng lạ mặt khủng bố bằng cách gọi điện, nhắn tin, đăng hình lên mạng xã hội rồi vu khống, xúc phạm...

Tương tự, anh T.X.T. - Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cũng liên tục bị khủng bố trong nhiều tháng qua vì có công nhân dùng số điện thoại của anh để "bảo đảm" khi vay tiền ngân hàng. “Do người vay không thể trả đúng hẹn, cứ 5 phút/lần, dân "đòi nợ" lại nháy máy trong suốt gần một tháng trời. Kế toán trưởng, trưởng phòng nhân sự… của công ty cũng bị họ khủng bố. Chúng tôi đã báo lực lượng công an phối hợp xử lý”.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công nhân cũng sập bẫy “tín dụng đen”. Đơn cử, tại tỉnh Bến Tre, anh N.N.H (42 tuổi, công nhân Công ty TNHH một thành viên Pungkook) cho biết, nhóm người cho vay liên tục điện thoại đến phòng nhân sự của công ty để đòi tiền công nhân lao động đã vay nợ, rồi đem hình cá nhân “con nợ” đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ; liên tục làm phiền người thân, bạn bè, họ hàng của người vay để gây sức ép đòi tiền... Theo Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bến Tre Lê Tuấn Kiệt, đến nay đã có 13 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ánh bị ảnh hưởng bởi “tín dụng đen”.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, “tín dụng đen” vẫn hoạt động phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân, người lao động. Đơn cử, tháng 6-2022, Công an thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây cho vay lãi nặng do Trương Ngọc Tính (31 tuổi, ở quận 6) cầm đầu. Nhóm này đã cho hơn 1.000 người có thu nhập thấp (như bán hàng rong, bán vé số, chạy xe ôm, công nhân…) vay với số tiền dưới 10 triệu đồng/lần, lãi suất 30-40%/tháng.

Hỗ trợ công nhân vay vốn từ nguồn chính thống

Để giúp các công nhân tránh xa bẫy “tín dụng đen”, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) Lê Nhật Trường cho biết, công đoàn công ty đã phối hợp với những tổ chức tài chính chính thống như ngân hàng hay Tổ chức Tài chính vi mô CEP (tổ chức xã hội phi lợi nhuận do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1991) hỗ trợ công nhân vay vốn, cải thiện đời sống. Đến nay, đã tổ chức cho hàng chục ngàn lượt công nhân vay với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú thông tin, từ tháng 1-2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp với CEP cho 807 đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp trong khu công nghiệp được vay vốn với số tiền trên 28,3 tỷ đồng, góp phần hạn chế vay “tín dụng đen”.

Còn Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, nhu cầu vay vốn để làm kinh tế phụ cho gia đình hay phục vụ tiêu dùng trong công nhân, người lao động hiện nay khá lớn. Để hạn chế, tiến tới dẹp bỏ nạn “tín dụng đen” trong công nhân, người lao động, bên cạnh các giải pháp phòng, chống thì điều quan trọng nhất là phải tạo được nguồn vốn an toàn, với thủ tục nhanh gọn để công nhân, người lao động dễ tiếp cận.

Điển hình, CEP có nhiều chương trình ưu đãi hướng đến công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn. Theo đó, người lao động trong các công ty, xí nghiệp khi có nhu cầu vay vốn gấp, liên lạc với công đoàn công ty để có thể tiếp cận mức vay tối đa 50 triệu đồng/lần, lãi suất 0,55%/tháng. Chị Trần Thị Thanh Tuyền, công nhân Công ty TNHH Hai Thanh (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh) - từng là nạn nhân của nạn “tín dụng đen” với lãi suất 45%/tháng, gia đình phải gán nhà để trả nợ, đã thoát nợ nhờ nguồn vay từ CEP. “Thủ tục vay tương đối thuận lợi. Do được Công đoàn công ty cho tín chấp, tôi được vay 50 triệu đồng từ CEP để phát triển kinh tế gia đình”, chị Tuyền chia sẻ.

Trong khi đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Công an thành phố tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cho vay “tín dụng đen”; tăng cường kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến “tín dụng đen” nhằm phát hiện kịp thời, không để phát sinh các hành vi phạm tội khác có nguyên nhân từ “tín dụng đen”. Song song đó, đơn vị cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tới công nhân, người lao động về các phương thức thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” để họ chủ động phòng tránh...

Thanh Tàu