Thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine: Bên bờ vực phá sản
Thế giới - Ngày đăng : 06:19, 15/09/2014
Mặc dù Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã lập ra cơ chế để giám sát thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Ukraine, tuy nhiên, các cuộc giao tranh vẫn được các nguồn tin tại chỗ ghi nhận là đang diễn ra ở khu vực sân bay Donetsk do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát. Chưa rõ lực lượng nào khai hỏa trước nhưng qua khẩu khí cứng rắn của các bên trong những ngày gần đây, có thể thấy thỏa thuận ngừng bắn khó kéo dài, nhất là khi quy chế dành cho khu vực miền Đông vẫn chưa đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan. Cho dù theo thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hôm 5-9, hai tỉnh Lugansk và Donetsk sẽ được trao một số đặc quyền riêng để tồn tại trong lòng một Ukraine thống nhất, song chi tiết về quy chế và các bên liên quan có thỏa mãn với quy chế này không vẫn là cả một câu chuyện dài còn bỏ ngỏ.
Súng tiếp tục nổ ở Donetsk bất chấp lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực cách đây 10 ngày. |
Mới đây, trả lời câu hỏi về quy chế trong tương lai của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và khả năng tự trị trong thành phần Ukraine, Phó Thủ tướng thứ nhất Andrey Purgin cho biết sẽ nỗ lực duy trì mối quan hệ kinh tế và văn hóa - xã hội với chính quyền Kiev, song không liên minh chính trị với Ukraine. Nói một cách cụ thể, Donetsk yêu cầu quyền tự quyết trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Nga - điều mà Kiev không mong muốn. Nhà lãnh đạo miền Đông còn tố cáo chính quyền Ukraine đang tận dụng thời gian tuyên bố ngừng bắn để tái tập hợp lực lượng; đồng thời chỉ rõ Kiev buộc phải ký thỏa thuận ngừng bắn vì phần lớn trang thiết bị kỹ thuật đã bị phá hủy khi hành quân. Nhà lãnh đạo Donetsk cũng khẳng định quân ly khai đang tận dụng lệnh ngừng bắn để khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy và chuẩn bị cho "một giai đoạn mới".
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 14-9, bộ phận báo chí của Trung tâm hoạt động quân sự Ukraine đưa tin, quân đội nước này đang xây dựng tuyến phòng thủ, tiến hành tập hợp và lập chiến tuyến mới ở miền Đông. Các hỏa điểm cố định của quân đội Ukraine được bố trí gần làng Popasnaya và sân bay Donetsk. |
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt giai đoạn 3 áp đặt đối với Nga đã bắt đầu từ ngày 12-9. Theo đó, 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga: SberBank, VTB Bank, Gazprombank, Vnesheconombank và Rosselkhozbank sẽ không được phép vay vốn tại các thị trường Châu Âu; 3 công ty dầu khí Rosneft, Transneft và Gazprom Neft và 3 tập đoàn công nghiệp quân sự Nga cũng bị giới hạn làm ăn với Liên minh Châu Âu (EU). Ngoài ra, EU còn bổ sung hàng chục quan chức cấp cao của Mátxcơva, các thủ lĩnh lực lượng ly khai miền Đông Ukraine vào danh sách những đối tượng bị đóng băng tài sản (nếu có) và cấm đi lại ở Châu Âu. Ngay sau khi các biện pháp trừng phạt mới của EU có hiệu lực đã khiến giá trị đồng rup Nga sụt giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay với khoảng 13%. Trong bối cảnh như vậy, Bộ Phát triển kinh tế Nga đã hạ kỳ vọng tăng trưởng từ mức 2% xuống còn 1% cho năm 2015, lạm phát dự kiến sẽ tăng ít nhất 1 điểm và ước tính 100 tỷ USD vốn đã thất thoát khỏi Nga. Nhưng theo các chuyên gia, bất kể nền kinh tế bị tổn thương, điều đó chưa đủ để thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin từ bỏ cuộc "đấu trí" trên "ván cờ" Ukraine. Vì hiện tại, nợ chính phủ của Nga mới chỉ chiếm 15% GDP; dự trữ ngoại tệ dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao (470 tỷ USD). Dường như với Điện Kremlin, nguy cơ mất ảnh hưởng ở Ukraine gây tổn thất cho xứ Bạch dương nhiều hơn là những đòn trừng phạt kinh tế.
Vì thế, ngay lập tức Mátxcơva đã lên kế hoạch tung ra những biện pháp trả đũa. Ngày 14-9, một cố vấn kinh tế cấp cao trong Chính phủ Nga cho biết, nước này có thể bổ sung lệnh cấm với những sản phẩm cơ khí và các mặt hàng công nghiệp hóa dầu từ phương Tây. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã cảnh báo, các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ hủy hoại tiến trình hòa bình ở Ukraine...
Trong khi phương Tây, đặc biệt là EU đã áp dụng những biện pháp khắc nghiệt mới nhất nhằm vào nước Nga, thì dường như Nga vẫn nắm trong tay lá bài quyền lực chưa tung ra. Đó là năng lượng. Hiện tại, lượng cung khí đốt từ Nga chiếm tới 35% tổng lượng nhập khẩu của cả EU. Sự phụ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung khí tự nhiên từ Nga là quá rõ ràng và rằng, nền kinh tế của EU sẽ gánh chịu tổn thất nghiêm trọng nếu Mátxcơva trả đũa bằng cách ngừng cung cấp nguồn nhiên liệu thiết yếu này cho liên minh. Do đó, không phải vô căn cứ khi cho rằng, trừng phạt kinh tế sẽ không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng suốt 10 tháng qua tại Ukraine. Ngược lại, cùng với tiếng súng vẫn vang lên sau thỏa thuận ngừng bắn, đòn trừng phạt như vậy còn khiến lộ trình hòa bình tại đất nước bên bờ Biển Đen đi chệch hướng.