Hướng tới nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 15/09/2014
Củng cố, nâng cấp hạ tầng nông thôn
Sau ngày giải phóng Thủ đô, nông nghiệp Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh tàn phá, ruộng đất hoang hóa, sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hoành hành, sức kéo thiếu, hệ thống đê điều, thủy lợi hầu như chưa có… Liên tục trong các năm sau ngày giải phóng, hệ thống thủy nông, thủy lợi lớn đã được xây dựng, dần đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhân dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác, nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; mở rộng thêm các ngành nghề, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho tu bổ, nạo vét hàng triệu mét khối bùn đất bồi lắng tại các cửa khẩu lấy nước quan trọng, hệ thống kênh mương, bể hút các trạm bơm, bảo đảm thông thoáng dòng chảy; tổ chức bơm tiếp nước từ sông Hồng, sông Đà vào sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích để các địa phương vùng hạ du đủ nước sản xuất; lắp đặt hàng trăm trạm bơm dã chiến phục vụ công tác chống hạn.
Lĩnh vực hạ tầng nông thôn được đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là mấy năm gần đây thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là một trong những thành công lớn của TP Hà Nội trong việc triển khai Nghị quyết số 26/NQ-TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa X. Tính đến hết năm 2013, toàn thành phố có 50 xã đạt chuẩn NTM, 153 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí, 148 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí, 50 xã đạt và cơ bản đạt 5-9 tiêu chí. 100% số thôn, xã có điện sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt; các trục đường liên xã được nâng cấp, đường liên thôn và đường làng phần lớn được bê tông hóa. Tất cả các xã đều có trạm y tế; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp. Công trình văn hóa thể thao ở nhiều nơi được xây dựng khang trang, sạch đẹp...
Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng chất lượng cao gắn với ATVSTP, bảo vệ môi trường sinh thái được triển khai. Ảnh: Nguyễn Trung |
Toàn thành phố hiện có 996 HTX nông nghiệp, 1.291 trang trại các loại, 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% số làng của toàn thành phố (trong đó có 286 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận). Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, các loại hình dịch vụ về xây dựng, vận tải, thương mại… phát triển đều khắp các vùng, góp phần thúc đẩy và làm sôi động các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn, nơi tập trung tới gần 60% dân số và đất đai của thành phố.
Bước tiến vững chắc
Trong 60 năm qua, ngành NN&PTNT Hà Nội luôn chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác phù hợp với yêu cầu thực tế trong từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, sau khi triển khai Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội; Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố phê duyệt thực hiện nhiều chương trình, đề án như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2015; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009-2015 và định hướng tới năm 2020; Đề án phát triển hoa, cây cảnh, cây ăn quả; Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Công tác dồn điền, đổi thửa hoàn thành 96% diện tích đã tạo bước đột phá, giúp các địa phương quy hoạch lại ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xây dựng các vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đầu tư đúng hướng, sản xuất nông nghiệp của thành phố đã có bước tiến vững chắc, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng. Hiện Hà Nội có 304.000ha gieo trồng cây hằng năm, trong đó diện tích lúa đạt 204.000ha, năng suất bình quân đạt 58,8 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn/năm; diện tích cây đậu tương đông hằng năm khoảng 26.000ha, sản lượng bình quân 32.000 tấn/năm... Toàn thành phố hiện có trên 1,4 triệu con lợn; hơn 166.000 trâu, bò; hơn 24,5 triệu gia cầm; 21.000ha nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2013 đạt 212,4 triệu đồng/ha, tăng 65% so với năm 2008. Nông nghiệp Thủ đô bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện: Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh… Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả; diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa chất lượng cao; chuyển mạnh cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với cải thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và NTM.