Hợp tác, liên kết để cùng phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 15/09/2014

(HNM) - Tinh thần



Đặc biệt, tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" đã và đang tiếp tục được cụ thể hóa bằng các chương trình liên kết, hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm khơi dậy mọi nguồn lực dựng xây, phát triển đất nước.

Huy động tổng lực để phát triển

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020", cũng như Luật Thủ đô xác định, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với diện tích tự nhiên 3.328km2, 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn, hơn 7,2 triệu dân (chưa kể khoảng 2 triệu người làm ăn, sinh sống thường xuyên nhưng không đăng ký hộ khẩu thường trú), ngoài phát huy nội lực, Hà Nội tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trên mọi lĩnh vực để tận dụng thế mạnh của nhau, cùng phát triển.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng của các tỉnh Tây Nam bộ. Ảnh: Phương Toàn


Không phải đến giai đoạn này, chủ trương đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước mới được Hà Nội chú trọng. Trước đó, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ 2001-2010", chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đã được xây dựng và triển khai trong mối quan hệ hữu cơ với xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước, tạo ra sự phân công, hợp tác có kế hoạch trong một cơ cấu thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hà Nội đã kết nghĩa với 12 tỉnh, thành phố, đồng thời tạo lập được sự liên kết giữa kinh tế Hà Nội với kinh tế vùng trọng điểm phía Bắc và cả nước. Từ đó, thành phố của chúng ta đã có những bước đi phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Hà Nội đạt tăng trưởng GDP bình quân 10,85%/năm, gấp 1,5 lần tốc độ tăng GDP của cả nước và là một trong số ít địa phương nhiều năm liên tục bội thu ngân sách và đóng góp đáng kể cho ngân sách TƯ.

Trong giai đoạn hiện nay, "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được phê duyệt; Luật Thủ đô chính thức đi vào cuộc sống hơn 1 năm; đặc biệt sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa XI), những thế mạnh của Hà Nội tiếp tục được khai thác và phát huy mạnh mẽ hơn. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục củng cố, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố và thủ đô các nước trên thế giới. Vừa phát huy nội lực, vừa tận dụng ngoại lực đã giúp Hà Nội đứng vững trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội với cả nước

Các chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác với các tỉnh, thành phố được Hà Nội tăng cường hơn bắt đầu từ năm 2011, sau một khoảng thời gian dài phải triển khai nhiều việc lớn như thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Các tỉnh Tây Bắc là địa chỉ đầu tiên TP Hà Nội lựa chọn triển khai các chương trình hợp tác về xúc tiến thương mại, khai thác, tiêu thụ nông - lâm sản, tài nguyên, khoáng sản, phát triển công nghiệp, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, y tế… Hà Nội cũng đã hỗ trợ 7 tỉnh vùng Tây Bắc 14 tỷ đồng vào quỹ xóa đói giảm nghèo; các doanh nghiệp Thủ đô hỗ trợ 60 tỷ đồng xây dựng trường học; ngành giáo dục hỗ trợ đồ dùng học tập cho học sinh, còn ngành y tế hỗ trợ trang thiết bị, góp phần giúp các tỉnh nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau các tỉnh Tây Bắc, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp tục có các chuyến thăm, làm việc nhằm đẩy mạnh chương trình hợp tác với các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Không chỉ vun đắp tình cảm, tạo sự gắn kết giữa Thủ đô với cả nước, các chuyến thăm còn là dịp để Hà Nội và tỉnh, thành phố đánh giá thế mạnh của nhau, từ đó xây dựng chương trình hợp tác, trên tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Thế mạnh của các địa phương chính là tiềm năng về đất đai, mặt bằng, chi phí sản xuất thấp và nguồn nhân lực dồi dào. Chưa kể, mỗi địa phương có thế mạnh riêng như du lịch, truyền thống văn hóa, nông - lâm - thủy sản, tài nguyên, khoáng sản, thủy điện… đều là những lĩnh vực giàu tiềm năng để các doanh nghiệp của Thủ đô đầu tư. Trên thực tế, sau khi được tham gia các chuyến công tác của thành phố, lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã tiến hành khảo sát thị trường, mở đại lý thu mua nông sản của các tỉnh cung cấp cho thị trường Thủ đô và xuất khẩu. Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cũng xây dựng thêm tuyến, điểm du lịch - lưu trú - nghỉ dưỡng để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch của các tỉnh. Ngược lại, với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm phát triển đầu tư, đặc biệt với vai trò của trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn của cả nước, Hà Nội có thể bổ khuyết, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại… vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. "Nếu Hà Nội biết cách phối hợp, hợp tác tốt với các tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế thì thành quả xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng, các tỉnh, thành phố nói chung sẽ tốt hơn rất nhiều" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng nhấn mạnh. Ngoài các chương trình phối hợp trên các lĩnh vực, TP Hà Nội và các địa phương đã trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trên các lĩnh vực công tác, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, từ ngày 15 đến 23-9, Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội sẽ tiếp tục thăm, làm việc với 8 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ. Chuyến thăm không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn mở ra những cơ hội giao lưu, hợp tác vì mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và sự phát triển của mỗi tỉnh, thành phố.

Lê Hương