Chữ đẹp có quan trọng?

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 14/09/2014

Nhìn vào vở ghi chép của một số học sinh (HS), không ít thầy cô và các bậc phụ huynh giật mình vì chữ xấu, tẩy xóa lem nhem. Đáng lo ngại, nhiều HS có suy nghĩ chữ đẹp hay xấu không quan trọng vì sau này đã có máy tính, máy in để soạn văn bản. Các em có đồng tình với ý kiến này không?

Em Hoàng Văn Long (lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tất Thành):

- Để giữ được vở sạch chữ đẹp, em thấy rất mất thời gian và công sức. Nhiều khi, thầy cô giáo đọc bài, giảng bài nhanh, nếu cứ nắn nót chữ viết thì khó lòng chép kịp. Chưa kể đến việc giải bài tập, có sai sót cũng phải xóa đi làm lại. Hơn nữa, em thấy nhiều anh chị học THPT còn có máy tính riêng để soạn đáp án, đề cương, ít khi chép tay. Đánh máy văn bản thì chữ nào cũng giống hệt nhau, có tẩy xóa thì chỉ cần vài cú click chuột là xong. Sau này khi đi làm, mọi người cũng đánh máy chứ không mấy viết tay.

Em Lê Phương Linh (lớp 6A2, Trường THCS Lương Thế Vinh):

- Càng học lên cao, em thấy hình như HS càng viết xấu hơn, cẩu thả hơn. Có lẽ là do thời gian học gấp gáp, lượng kiến thức lại nhiều, thời gian nắn nót viết chữ đẹp không còn, lại khó tránh được việc tẩy xóa. Tuy nhiên, em nghĩ vẫn nên phải giữ nét chữ đẹp, vở sạch. Khi ôn lại bài, nhìn vào cuốn vở chữ đẹp, viết ngay ngắn, sạch sẽ dễ đọc, dễ học hơn nhiều so với cuốn vở viết cẩu thả, chữ xấu. Hơn nữa, khi làm bài kiểm tra, thầy cô giáo dễ đọc và cho điểm cao với những HS làm bài đúng và trình bày sáng sủa, chữ viết đẹp, rõ nét. Cho dù có làm đúng đáp án, nhưng chữ viết xấu, tẩy xóa có thể sẽ khiến thầy cô đọc nhầm, chấm nhầm và nhận điểm kém.

Cô Phạm Hồng Nhung (giáo viên Trường Tiểu học Khương Thượng):

- Gần đây, tôi thấy nhiều thầy cô giáo chụp và chia sẻ các bài thi, bài kiểm tra của HS với nét chữ "gà bới" trên mạng xã hội. Nhìn những nét chữ ấy, không ít người còn tưởng là chữ viết của Thái Lan, Ả Rập chứ không còn là nét chữ Việt. Chưa cần biết bài kiểm tra ấy có đúng đáp án hay không, nhưng các HS viết chữ xấu đã thể hiện sự cẩu thả và thiếu tôn trọng việc học tập. Ông bà ta có câu "Nét chữ, nết người", chữ viết đẹp - xấu đôi khi cũng thể hiện tính cách con người. Thế nên thời kỳ nào cũng vậy, cho dù thời hiện đại có máy trợ giúp soạn thảo văn bản, HS vẫn phải giữ phong trào luyện chữ đẹp.

Viết chữ đẹp tuy tốn thời gian và công sức nhưng hiệu quả đằng sau một nét chữ đẹp rất cần thiết. Một HS rèn được nét chữ đẹp là đã có quá trình rèn tính kiên nhẫn, rèn khả năng chinh phục cái đẹp và cũng học được cách biết cảm thụ cái đẹp, yêu cái đẹp. Trẻ em thời nay cần được luyện chữ đẹp theo đúng tinh thần mà cha ông ta hằng trui rèn: Luyện chữ là cách học làm người. Nhà trường, gia đình nên giúp trẻ biết yêu nét chữ đẹp bằng cách phát động và tổ chức nhiều phong trào, cuộc thi vở sạch, chữ đẹp.

Thanh Phong