Báo động về đạo đức kinh doanh

Thế giới - Ngày đăng : 07:29, 13/09/2014

(HNM) - Mua dầu ăn đã qua sử dụng tại các nhà hàng đem trộn với mỡ lợn rồi bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm khác. Vụ bê bối dầu ăn

Các thùng phuy được dùng để chứa dầu bẩn trước khi chế biến thành dầu ăn.



Thủ phạm của vụ bê bối gây rúng động dư luận trên là Tập đoàn Chang Guann - nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm nổi tiếng ở Đài Loan (Trung Quốc). Theo Cơ quan Thuốc và thực phẩm Đài Loan (Trung Quốc), đã có 933 nhà hàng, quán ăn và cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó có 397 cơ sở tại thành phố Đài Bắc, sử dụng dầu ăn "bẩn" của tập đoàn này. Chỉ trong 6 tháng qua, tập đoàn này đã mua lại 243 tấn dầu ăn "bẩn" từ các nhà máy của Kuo Lieh-chen để chế biến ra hơn 780 tấn dầu ăn "sạch" bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo điều tra ban đầu, số dầu ăn "bẩn" này là dầu đã qua sử dụng tại các nhà hàng quán ăn, được Chang Guann mua về và trộn với mỡ lợn để bán lại. Đến nay đã có 40 doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) thừa nhận đã dùng dầu "bẩn" của Chang Guann để sản xuất 110 loại thực phẩm, trong đó có pa tê, bánh ngọt, mì gói, bánh mì…

Tập đoàn Chang Guann có trụ sở ở thành phố Cao Hùng. Vụ bê bối được phanh phui khi cảnh sát kiểm tra một nhà máy sản xuất dầu ăn không phép của tập đoàn này ở huyện Bình Đông thuộc thành phố này. Nhà máy hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất nằm ở huyện trên và trong cả thành phố Cao Hùng. Đến nay cơ quan chức năng đã tịch thu 49 tấn dầu ăn nghi là dầu tái chế của tập đoàn này sau khi khám xét; đồng thời yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm của các công ty bị nghi đã dùng dầu ăn "bẩn" để chế biến. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn các ban ngành liên quan như tư pháp, y tế, kinh tế, nông nghiệp và môi trường nhằm tìm cách khắc phục hậu quả vụ bê bối, kể cả đánh giá xem sản phẩm của các doanh nghiệp này có xuất khẩu ra nước ngoài hay chưa. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã ra lệnh cho các cơ quan liên quan điều tra vụ việc và đánh giá hình phạt thích đáng đối với những doanh nghiệp dính líu đến vụ việc.

Đây là vụ bê bối về vệ sinh ATTP thứ hai tại Đài Loan (Trung Quốc) trong chưa đầy một năm. Tháng 12 năm ngoái, một chủ xưởng sản xuất dầu ô liu đã bị phạt tù 16 năm vì bán sản phẩm có pha dầu hạt bông và các chất tạo màu bị cấm. Tuy nhiên vụ việc không dừng lại ở Đài Loan (Trung Quốc). Người dân Hongkong (Trung Quốc) cũng đang hoang mang khi nhà chức trách Đặc khu hành chính này vừa phát hiện 4 nhà nhập khẩu mua dầu ăn từ Tập đoàn Chang Guann gồm có Dah Chong Hong, Thực phẩm Synergy, Dịch vụ thực phẩm Angliss Hongkong, và Thực phẩm Thành thị. Đến nay Trung tâm An toàn Thực phẩm Hongkong vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào khẳng định số dầu ăn do các nhà nhập khẩu này mua từ Đài Loan (Trung Quốc) là dầu "bẩn". Thế nhưng, các chuyên gia thực phẩm cho rằng, dầu cặn có thể chứa chất hóa học gây ung thư vì nó chứa các kim loại ô nhiễm, gây tổn hại hệ thống thần kinh của con người chỉ một thời gian ngắn sau khi sử dụng. Vì thế, nhiều người dân Hongkong hết sức lo lắng cho sức khỏe của mình, do đã trót ăn các loại bánh bán tại các chuỗi cửa hàng nhập bánh của Maxim - Tập đoàn đã sử dụng dầu cặn do hãng Thực phẩm Thành thị cung cấp để làm khoảng 9.000 chiếc bánh dứa/ngày - trong ba năm qua.

Ngay sau khi vụ bê bối dầu "bẩn" xảy ra, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) bắt giữ một nghi phạm chính tên là Kuo Lieh-chen (32 tuổi), chủ nhà máy sản xuất dầu ăn không phép tại thành phố Cao Hùng sau khi tên này có dấu hiệu muốn bỏ trốn cùng một số nghi can khác. Theo quy định pháp luật của Đài Loan (Trung Quốc), nếu các nghi phạm bị khởi tố sẽ phải đối mặt với tội danh làm hàng giả cùng mức phạt lên tới 1,7 triệu USD. Vụ bê bối dầu "bẩn" ở Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là hồi chuông báo động về tình trạng mất vệ sinh ATTP cũng như đạo đức của người làm kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Đình Hiệp