Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO): Mở rộng không gian ảnh hưởng

Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 13/09/2014

(HNM) - Trong hai ngày 11 và 12-9, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - gồm 6 nước: Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan, đã diễn ra tại thủ đô Dushanbe (Tatjikistan).

Mặc dù SCO chỉ là một hội nghị thường niên; thế nhưng trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga - thành viên sáng lập - với các nước phương Tây đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh do cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine, vì vậy, từng động thái tại Dushanbe đều được theo sát kỹ càng.
Bên cạnh nội dung bàn thảo nhằm tăng cường chống khủng bố, buôn bán ma túy, các tổ chức tội phạm xuyên biên giới và những thách thức khác của quốc tế và khu vực, điều dư luận quan tâm nhất tại SCO lần này có thể sẽ kết nạp thêm 2 thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan vào năm sau - năm Nga đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của SCO. Nếu như vậy, đây sẽ là bước tiến ấn tượng của tổ chức này khi tầm ảnh hưởng được mở rộng kéo dài từ Trung Á tới Nam Á, với sự góp mặt của hai nền kinh tế thuộc loại hàng đầu Châu Á.

Các nhà lãnh đạo SCO tại Hội nghị Thượng đỉnh 2014.



Tối 12-9, Hội nghị Thượng đỉnh SCO đã bế mạc với việc ký kết 10 văn kiện, trong đó có Tuyên bố Dushanbe, thể hiện chiến lược phát triển mới trong giai đoạn mới. Tuyên bố Dushanbe đề cập đến phát triển kinh tế và các vấn đề quốc tế được quan tâm cũng như việc mở rộng SCO. Đối với các vấn đề quốc tế, Tuyên bố Dushanbe nêu rõ các nước ủng hộ nhanh chóng khôi phục hòa bình tại Ukraine và tiếp tục tiến trình đàm phán nhằm đạt một giải pháp toàn diện. Về việc mở rộng tổ chức, SCO thông qua các văn kiện quy định việc tiếp nhận thành viên mới, quyết định từ nay tới tháng 6-2015 chuẩn bị dự thảo Chiến lược phát triển SCO trong giai đoạn 10 năm tới.

Thành lập năm 1996, tiền thân của SCO là Nhóm Thượng Hải 5 hoạt động chỉ với mục đích giải quyết các tranh chấp biên giới của các láng giềng Châu Á thời kỳ hậu Xô viết. Tuy nhiên, thời gian gần đây SCO không chỉ gia tăng các hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ giữa các quốc gia thành viên, mà còn phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và quân sự. Với sự tham gia của hai cường quốc nguyên tử Nam Á, tổng dân cư của SCO chiếm đến 40% dân số toàn cầu và 60% diện tích lãnh thổ của hai châu lục Á, Âu. Ngoài ra, sự hiện diện của Ấn Độ - cường quốc kinh tế thứ ba Châu Á - với tư cách thành viên được chấp thuận sẽ khiến SCO có vai trò lớn hơn nhiều trong việc đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.

Chưa dừng lại ở đó, SCO còn có những hiệp định hợp tác quan trọng với Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyrstan, Tajikistan và Uzbekistan, tạo ra một vành đai liên kết vững chắc trải dài từ Trung Á tới Nam Á. Đó là còn chưa kể đến việc, trong thời gian tới, nếu SCO tiếp tục kết nạp cả 2 nước quan sát viên còn lại là Iran và Mông Cổ thì không gian ảnh hưởng của tổ chức này sẽ mở rộng tới cả Trung Đông.

Theo nhiều nhà phân tích, hiện Iran và các thành viên SCO đã có mối quan hệ mật thiết, đặc biệt với Nga và Trung Quốc, do đó, dù vẫn đứng ngoài SCO trong vai trò quan sát viên, song chắc chắn tổ chức này sẽ không vấp phải khó khăn để tìm kiếm sự ủng hộ của Tehran trong nhiều vấn đề. Còn với Mông Cổ, việc gia nhập SCO chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể thấy được mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Mông Cổ và SCO qua cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh SCO 2014. Ba nhà lãnh đạo đã ủng hộ đề xuất thành lập một hành lang kinh tế nối liền ba nước láng giềng. Dự án này sẽ kết nối các sáng kiến vành đai kinh tế "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc, hệ thống đường sắt liên lục địa của Nga và chương trình Con đường thảo nguyên của Mông Cổ. Việc triển khai dự án sẽ bao gồm phát triển giao thông xuyên quốc gia, đơn giản hóa hoạt động vận tải, cũng như nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một hệ thống năng lượng giữa ba nước. Khi được hoàn thiện, hành lang kinh tế này sẽ là đòn bẩy giúp tăng cường nội lực của SCO. Vì vậy, không phải vô căn cứ khi nhận định rằng, theo thời gian SCO sẽ nổi lên như một đối trọng mới với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ sau khi khối Hiệp ước Vacsava tan rã.

Quỳnh Dương