Xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 13/09/2014

(HNM) - Chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu là một trong những trụ cột của chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, tuy nhiên tại Diễn đàn xuất khẩu 2014 với chủ đề


Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng



Tăng trưởng cao nhưng không bền vững


Theo Bộ Công thương, trong các năm 2011 - 2013, mặc dù thị trường thế giới suy giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng 22,3%/năm, nhanh hơn 4 lần tốc độ tăng GDP. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, năm 2014 có khoảng 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế quốc hội, dù đạt được nhiều thành tích đáng kể nhưng Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu. Đó là chiến lược xuất khẩu chưa gắn với việc khai thác thế mạnh về nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh về số lượng và giá cả nên rất rủi ro; vai trò điều phối của các hiệp hội ngành nghề xuất khẩu thiếu hiệu quả, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây nhiều hệ quả trong xuất khẩu…

TS Trần Du Lịch cho rằng để thực hiện hiệu quả chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu thì cần đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường xuất khẩu. Theo đó, phải nâng cao chất lượng hàng nông sản, bỏ tư tưởng "tự sướng" đứng nhất đứng nhì thế giới bởi xuất khẩu của chúng ta vẫn đang cạnh tranh trên số lượng và sản phẩm thô, gia công. "Chúng ta xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, nhưng giá trị không bằng Thái Lan. Trong chiến lược xuất khẩu phải đi vào chất lượng và nâng giá trị lên chứ không phải chạy theo số lượng", ông Lịch nói. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng mục tiêu hướng về xuất khẩu, nhưng không được tách biệt với thị trường nội địa. Nền ngoại thương của một quốc gia, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế phải hoạt động trong điều kiện xóa bỏ hàng rào thuế quan hai chiều, nên không có ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Một sản phẩm muốn cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, trước hết nó có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả.

Thu hái chè tại Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Yến Ngọc



Theo nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng thị phần thái quá của một sản phẩm ở một thị trường kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá… Về thị trường, vẫn phải tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm ở 5 thị trường lớn nhất hiện nay: EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong việc mở rộng thị trường các nước thành viên còn lại của khối Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giúp doanh nghiệp tiếp cận.

Phát triển dựa trên lợi thế

Việt Nam có lợi thế về nền nông nghiệp nhiệt đới, vì vậy theo các chuyên gia kinh tế, định hướng xuất khẩu cần dựa vào lợi thế trên. Bên cạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, các chuyên gia cho rằng từ nay đến năm 2030 vẫn phải dựa trên những nhóm ngành mang tính truyền thống như gạo, cà phê, cao su, rau quả.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, điểm "vướng" nhất khi xuất hàng nông sản vào thị trường có yêu cầu cao chính là hàng rào kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chẳng hạn, thị trường Nhật và Hàn Quốc là hai thị trường lớn, lại gần Việt Nam nên chi phí thấp, nhưng đây là hai thị trường rất khó về ATVSTP. Mặt khác, người tiêu dùng Nhật, Hàn có thói quen sử dụng sản phẩm có thương hiệu, trong khi đây là vấn đề yếu của DN Việt Nam. Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cũng cho biết Nhật Bản là thị trường triển vọng vì nhập đến 40% sản lượng rau quả. Tuy nhiên thị trường này rất khó tính. Vừa rồi Việt Nam đã đưa được quả thanh long và xoài vào Nhật, tuy nhiên để đưa được quả thanh long vào Nhật phải mất đến 4-5 năm làm công tác xúc tiến thị trường và chuẩn bị. Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản cũng cho biết mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của Việt Nam vào thị trường Nhật chính là nông thủy sản, tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, cần lưu ý về ATVSTP, bởi sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Nhật Bản càng khắt khe hơn đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu.

Theo Bộ Công thương, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu để hỗ trợ DN xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình là trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để giúp doanh nghiệp xuất khẩu bền vững cần có vai trò hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và các hiệp hội ngành nghề có liên quan.

Đặng Loan